Dòng sự kiện:

Trẻ thích cắn móng tay, nhổ tóc, ăn đất... là mắc bệnh gì?

Theo PNO
14:05 07/03/2017
Nhiều cha mẹ cho rằng con mình khó dạy, vì đã la mắng, đánh đòn nhưng trẻ vẫn làm những hành động khó hiểu như: cắn móng tay, nhổ tóc, ăn đất...

Nếu như con bạn đang có những hành động trên, thay vì la mắng, cấm đoán trẻ thì hãy dành thời gian quan sát chúng, rất có thể trẻ đang mắc một trong hai Hội chứng nhổ tóc và Hội chứng ăn tạp (hội chứng Pica).

Cha mẹ rầy, bé nhổ tóc đến trọc nửa đầu

Đầu năm 2016, người nhà của một bé gái 12 tuổi (ngụ Lâm Đồng) đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cầu cứu vì không hiểu sao bé cứ nhổ tóc của mình liên tục. Ban đầu gia đình nghĩ bé bị nấm da đầu nên cứ nhổ tóc, nhưng điều trị mãi bé vẫn không ngừng nhổ tóc. Bé được đưa đến bệnh viện với phần đầu đã bị bé nhổ hết 1 nữa tóc. 

Sau khi kiểm tra, làm xét nghiệm cho bé, các bác sĩ tại đây phát hiện bé gái này thường hay có biểu hiện lo âu, căng thẳng kéo dài. Nhất là bé thích vẽ tranh nhưng cha thì muốn bé phải đi sinh hoạt ngoại khóa, từ đó mối quan hệ giữa bé gái và cha ngày một xấu đi. Mỗi lần bị cha la mắng, ép buộc thì bé lại im lặng và nhổ tóc.

 Người mắc Hội chứng Nhổ tóc và Ăn tạp thường được phát hiện khi dạ dày đã đầy tóc, thường xuyên đau bụng và nôn ói.

Bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý – người trực tiếp điều trị cho bé chia sẻ: “Về mặt tâm lý, bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế vì tâm trạng lo âu, căn thẳng kéo dài. Lúc này, bệnh nhân chỉ thấy mỗi việc nhổ tóc thì thoải mái hơn. Bên cạnh đó, bé gái cũng có dấu hiệu bị trầm cảm kèm theo cha con bất hòa hơn 1 năm khiến bé rơi vào hội chứng nhổ tóc. Trường hợp này chúng tôi phải điều trị bằng cách giải tỏa tâm lý cho bé song song với việc bé phải sử dụng thuốc. Mất khoảng 9 tháng bé mới đỡ bệnh.”

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận và điều trị cho một bé trai 6 tuổi bị tự kỷ. Ngoài tự kỷ, bé trai còn có hay ăn đất, bé ăn rất nhiều khiến cơ thể bị thiếu máu, thường xuyên mệt mỏi. Khi người nhà đưa đến bệnh viện thì cứ nói rằng bé có sở thích lạ, mặc dù bị cha mẹ la nhưng cứ thích ăn đất. Chính cha mẹ còn không nhận ra còn mình bị bệnh mà cho rằng đó là một sở thích.

Gần đây nhất, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã làm phẫu thuật lấy búi tóc to ra khỏi dạ dày của bé P.P.T. (7 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai). Vì bé mắc Hội chứng Công chúa tóc mây (Hội chứng Rapunzel), hội chứng này bao gồm cả hai Hội chứng Nhổ tóc và Ăn tạp, nên bé cứ liên tục nhổ tóc, nhặt tóc để ăn. Đến khi bé thường xuyên bị đau bụng, nôn ói thì người nhà mới đưa đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ tiến hành siêu âm thì phát hiện dạ dày của bé chưa đầy tóc.

Mẹ của bé nói rằng: “Tôi không biết còn gái mình có sở thích này từ khi nào. Từ khi phát hiện nó ăn tóc, thì thấy nó ăn là tôi la nên chắc nó lượm tóc ăn lén. Sau này nó lại nhổ tóc để ăn hoài trong khi vợ chồng đi làm nên cũng không để ý.”.

Bé T. sau khi đã được các bác sĩ phẫu thuật lấy búi tóc thành công. Bé nói rằng mình  luôn thích ăn tóc.

Theo bác sĩ Triết, năm 2016 Bệnh viện Nhi Đồng đã tiếp nhận 7 ca bệnh nhân mắc các hội chứng trên. Trong đó 2 ca bệnh nhân bị hội chứng Nhổ tóc hoặc Ăn tạp, 2 ca trẻ nhổ và nuốt tóc.

Bác sĩ Triết cho biết: “Hầu hết những bé mắc phải hội chứng là do gia đình thường xuyên bất hòa, bị la mắng khiến tâm lý bé bị ảnh hưởng. Bé ít nói đi, kèm theo đó là luôn căn thẳng, lo âu dẫn đến thần kinh bị ảnh hưởng. Từ đó các bé bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế nên chỉ thích lặp đi lặp lại một hành động như nhổ tóc, ăn đất, cắn móng tay,... Cũng có thể từ việc bẻ không được quan tâm nên dẫn đến những hành động khác thường để gây chú ý, dần dần bé cứ thực hiện những hành động đó trong vô thức.”

Theo bác sĩ Triết, ở Việt Nam cũng có trường hợp cả làng ăn đất sét, nhưng đó là do văn hóa và thói quen của họ, nên không thể nói là họ bị hội chứng Ăn tạp. Ngoài ra, với những đứa trẻ bị nhiễm nấm da đầu gây ngứa, tóc yếu, chúng thường nhổ tóc để đỡ ngứa ngáy thì cũng không thể khẳng định chúng bị mắc hội chứng Nhổ tóc.

Hãy bên cạnh thay vì luôn la mắng con

Trong cuộc sống hằng ngày, vì vấn đề về kinh tế, hay những mệt mỏi không tên khác, cha mẹ thường hay nổi nóng, la mắng hoặc không quan tâm đến mong muốn của bé khiến phần nhiều số chúng cảm thấy bị cô đơn và mắc các bệnh về tâm lý.

 Bác sĩ Triết cho rằng cha mẹ nên hiểu đây là một bệnh lý, chứ không phải là sở thích kỳ quái của con.

Khi bé đã bị mắc một trong những hội chứng trên, cha mẹ nên thường xuyên quan tâm trò chuyện với bé. Cha mẹ hãy giành thời gian để bên cạnh lắng nghe và giúp bé giải quyết những vấn đề về tâm lý. Khi thấy bé lặp lại hành động không đúng như ăn tóc, nhổ tóc, ăn đất,... thì không nên la lắng mà ngay lập tức phân tán tư tưởng bé bằng cách chơi trò chơi, dẫn bé đi dạo.

“Ngoài việc phân tích hành vi cho bé như là tóc không phải thức ăn, ăn tóc con sẽ bị đau bụng, nôn ói,... để bé hiểu được và sửa chữa, cha mẹ cũng nên liệt kê những câu chuyện, sở thích, nơi bé thích đến để dẫn bé ra ngoài, trấn áp suy nghĩ của chúng. Việc này sẽ tập cho bé cách để không còn bị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế làm những hành động có hại cho bản thân. 

Cha mẹ, người thân của bé cần phải hiểu rõ đây là một bệnh lý, không phải là thói quen hay sở thích kỳ quái. Cha mẹ không nên bỏ mặc hay kích động bé, mà phải hỗ trợ, nâng đỡ, bên cạnh bé vì lúc này bé rất cần bạn.”, bác sĩ Triết cho biết thêm.

Hội chứng Nhổ tóc và Hội chứng Ăn tạp là một bệnh lý liên quan đến vấn đề tâm lý. Người mắc phải hội chứng này thường hay tự lặp đi lặp lại một hành động trong vô thức. 

Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng có thể là do người đó hay ở một mình, chơi một mình, luôn lo âu, căn thẳng hoặc ban đầu muốn gây sự chúng ý với người xung quanh gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến cơ thể cứ làm theo những ám ảnh trong suy nghĩ.

Việc nhổ tóc, ăn tóc, ăn tạp là ăn những thứ không có dinh dưỡng như tóc, đất, móng tay, bông gòn... khiến cơ thể người bệnh bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, suy kiệt, sút cân.

Hội chứng Ăn tạp tác động không nhỏ đến tinh thần của người bệnh, thậm chí gây rối loạn trạng thái tâm lý, căng thẳng thần kinh do người bệnh phải tự đấu tranh để cưỡng lại sự thèm khát kỳ quặc của vị giác.

Nguồn: Gia đình Việt Nam