Dòng sự kiện:

Trẻ thừa cân béo phì và những tác hại không tưởng

16:56 17/08/2016
Bên cạnh có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, cholesterol cao, kháng insulin…, trẻ thừa cân béo phì còn chậm chạp, tự ti, tiếp thu kém, dẫn đến mất nhiều cơ hội trong cuộc sống.

Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ngày càng gia tăng, nhất là ở một số nước đang phát triển. Tình trạng thừa cân và béo phì đã và đang trở thành một nguy cơ của sức khỏe. Vậy trẻ thừa cân béo phì có những tác hại gì?

Trẻ thừa cân béo phì với tương lai lắm thiệt thòi

Môt nghiên cứu về thừa cân, béo phì của WHO vào tháng 1/2015 đã chỉ rõ rằng, trẻ em thừa cân béo phì có nguy cơ: cholesterol cao, tăng huyết áp, đái tháo đường... Trên thực tế, trẻ thừa cân béo phì có thể chưa mắc ngay những căn bệnh này nhưng chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành. 

Mặt khác, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đã chứng minh, thừa cân béo phì ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học Y khoa New York và Viện Nghiên cứu Tâm thần Nathan Kline ở New York cho thấy tình trạng thừa cân béo phì và hội chứng rối loạn chuyển hóa ở trẻ em có thể khiến các em kém thông minh hơn.

 

Trẻ em thừa cân béo phì có nhiều nguy cơ về sức khỏe. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu đã được các nhà khoa học thuộc Toulouse University Hospital (Pháp) cũng chỉ ra rằng cân nặng càng tăng thì chỉ số IQ càng giảm. Cụ thể, những người có BMI (tỷ lệ cân nặng (kg) và bình phương chiều cao (m)) 20 hoặc ít hơn có thể nhớ lại 56% của các từ trong một bài kiểm tra từ vựng, trong khi những người bị thừa cân béo phì, với chỉ số BMI là 30 hoặc cao hơn, có thể nhớ chỉ 44%. Ngoài ra, trẻ thừa cân béo phì thường vụng về, chậm chạp, hay bị bạn bè trêu chọc, dẫn đến tâm lý tiêu cực, tự ti, khó hòa nhập, học hỏi kém… 

Từ việc phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe, tâm lý trí tuệ, trẻ thừa cân béo phì vô tình bị tước đi nhiều cơ hội trong cuộc sống. Do có thể nhìn thấy từ bây giờ việc mất đi các cơ hội để thành công của trẻ trong tương lai, người ta càng ngày càng quan tâm đến việc phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ. 

Nên phòng chống thừa cân béo phì từ những năm tháng đầu đời của trẻ 

Việt Nam là nước có tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng đáng quan ngại, tỷ lệ ở thành thị năm 2000 chỉ là 0.9%, đến năm 2010 đã tăng 6,5% (cả nước là 5,6%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì: di truyền, lối sống kém vận động, dinh dưỡng… Trong đó, phổ biến nhất là do lối sống và thói quen ăn uống. 

Ít ai biết rằng, một trong những vấn đề chính dẫn đến thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ là do cung cấp đạm (Protein) vượt quá nhu cầu của trẻ. Cùng với việc ít vận động, ít tham gia tập luyện thể dục - thể thao, xem ti vi, chơi game quá nhiều (trên 4 giờ/ngày)... đã khiến ngày càng nhiều trẻ phải đối mặt với tình trạng thừa cân béo phì. Nếu không được can thiệp, trẻ thừa cân sẽ thành người béo phì đến khi trưởng thành.


Cung cấp dư đạm là nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì. 

Nhiều người vẫn quan niệm rằng, trẻ nhỏ nên bụ bẫm một chút mới là khỏe mạnh, đáng yêu. Đó là lý do các bà mẹ được khuyến khích tăng cân càng nhiều càng tốt ngay từ khi mang thai để sinh con to và thường “lờ” đi tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, mẹ sinh con càng to vượt chuẩn, nguy cơ gặp các kết quả tiêu cực càng cao: Nồng độ Glucose cao, cao huyết áp, lượng lipit có hại cao,… 

Theo một nghiên cứu mới đây do trường Đại học Harvard thực hiện, những trẻ tăng cân nhanh trong 6 tháng đầu đời, có tỉ lệ thừa cân béo phì nhiều hơn đáng kể khi lên 3 tuổi. Do đó, những năm đầu đời là rất quan trọng trong việc thiết lập chế độ dinh dưỡng tốt và hành vi hoạt động thể chất giúp làm giảm nguy cơ phát triển thừa cân, béo phì. 

Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau 6 tháng bổ sung dinh dưỡng hợp lý ngay từ thời điểm ăn dặm cùng với tiếp tục bú mẹ. Mẹ đặc biệt chú ý cung cấp đạm (Protein) với hàm lượng hợp lý và chất lượng tối ưu nhất, đồng thời khuyến khích con vận động thể chất để trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh dài lâu.

Theo Khám phá

Nguồn: Gia đình Việt Nam