Dòng sự kiện:

Trẻ uống nhiều nước ngọt có ga sẽ gây hại cho sức khỏe

Theo Lao động
10:02 10/02/2019
Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, học sinh được nghỉ học trong thời gian khá dài. Thời điểm này, nhiều gia đình thường xuyên tổ chức ăn uống, tiệc tùng nên việc uống nhiều nước ngọt là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc uống nhiều nước ngọt có ga sẽ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.

Nhiều phụ huynh chủ quan

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên thị trường “tung ra” nhiều sản phẩm nước ngọt với nhiều loại, hương vị… trong đó có cả nước ngọt có ga. Đây được cho là thức uống khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Tại TPHCM, việc tìm mua nước ngọt có ga rất đơn giản. Tuy nhiên, ít người biết rằng sử dụng nhiều nước ngọt có ga có thể gây ra nhiều tác động xấu đối với sức khỏe của trẻ em như: béo phì, thiếu vi chất, hạn chế phát triển chiều cao và trí tuệ...

Một bác sĩ tại TPHCM cho biết, nước ngọt có ga có thành phần chủ yếu là hương liệu, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản nên không tốt về mặt dinh dưỡng. Khi trẻ uống quá nhiều nước ngọt, cơ thể trẻ sẽ tiếp nhận một lượng đường lớn so với nhu cầu thực tế của trẻ. Điều này, khiến trẻ dễ bị béo phì. Ngoài ra, với trẻ trong giai đoạn phát triển, việc thừa cân, béo phì sẽ cản trở quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Béo phì còn là nguyên nhân tiềm ẩn của các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch… gây nguy hại lâu dài cho sức khoẻ của trẻ.

Đáng lo ngại nhất, nếu trẻ uống nhiều nước ngọt, trẻ sẽ có cảm giác no giả tạo và trở nên biếng ăn. Lúc này, cơ thể trẻ không được nạp đủ lượng thức ăn cần thiết, dễ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Có thể nói, việc trẻ ăn ít, cộng thêm cơ thể không hấp thụ đủ lượng canxi, khi uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu sẽ dẫn đến việc trẻ bị thiếu canxi, làm cơ thể không có đủ canxi để tăng chiều cao.

Đặc biệt, thời điểm Tết, nhiều gia đình liên tục tổ chức các buổi tiệc gia đình, ăn uống nhiều thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng. Cũng thời điểm này, nhiều trẻ được nghỉ lễ ở nhà trong thời gian dài. Việc này, khiến các bé dễ dàng tiếp xúc với nhiều thức ăn, đồ uống (lưu ý đồ uống có ga) khiến ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ. Ngoài ra, nhiều phụ huynh thấy con vẫn mập mạp, bụ bẫm nên chủ quan nghĩ trẻ đang phát triển bình thường nhưng thực tế trẻ đang thiếu canxi trầm trọng.

Trẻ thừa cân, béo phì… tăng chóng mặt

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, hiện nay tình trạng trẻ thừa cân, béo phì đang gia tăng với cấp độ chóng mặt khiến 15% bị tăng huyết áp. Chưa hết, không ít trẻ đã bị đái tháo đường tuýp 2. Theo đó, thành phần trong nước ngọt có ga gồm nước, đường, hương liệu, màu… pha chung rồi bơm ga vào. Thức uống này chủ yếu tạo thêm năng lượng và làm đã cơn khát tức thời chứ không có dinh dưỡng. Việc uống nước ngọt có ga sẽ làm cho cơn khát mau quay lại, nhiều trẻ uống nhiều lần để đã cơn khát.

Tuy nhiên, càng uống thì dư lượng càng tăng khiến các trẻ dễ béo phì, dư cân… Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường và bệnh về tim mạch sau này. Ngoài ra, trong nước ngọt có ga chứa thành phần kích thích các trẻ tỉnh táo, sảng khoái. Lượng chất này tích lũy lâu ngày khiến các trẻ bị lệ thuộc. Uống nhiều nước ngọt có ga còn có thể kích thích thần kinh khiến các trẻ ít ngủ, hạn chế sự tăng trưởng.

Tiến sĩ Phan Thế Đông, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TPHCM cho biết, nước ngọt có ga chứa nhiều đường khiến trẻ dễ mất cân bằng về dinh dưỡng. Sử dụng nhiều thức uống này khiến trẻ no ngang, không ăn nhiều cơm nên gầy còm. Một số trẻ khác lại kích thích vị giác nên ăn nhiều hơn, dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, trẻ bị thừa cân, béo phì do lạm dụng nước ngọt có ga luôn chiếm đa số.

Tiến sĩ Phan Thế Đông cũng khuyến cáo, để hạn chế những tác hại mà nước ngọt có ga gây ra cho trẻ, các bậc phụ huynh cần tạo một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, đa dạng thức ăn, hương vị trong bữa ăn hằng ngày của trẻ. Việc sử dụng nước trái cây thơm ngon để tăng cường vị giác cho trẻ, tăng cường các hoạt động thể chất. Phải cho trẻ loại bỏ dần dần nước ngọt, nước có gas, thường xuyên giám sát trẻ để tránh việc lạm dụng thức uống này.

Nguồn: Gia đình Việt Nam