Dòng sự kiện:

Trẻ uống sữa bao nhiêu là đủ theo từng giai đoạn phát triển?

Từ 0-6 tháng tuổi, trẻ cần 100% lượng sữa mỗi ngày, trong khi giai đoạn 2-5 tuổi, sữa chỉ chiếm 20% khẩu phần ăn hàng ngày của chúng.

Sữa được xem là một phần không thể thiếu cho trẻ từ 0-5 tuổi vì sữa cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và hoàn thiện nhiều cơ quan chức năng quan trọng của trẻ nhỏ. Tùy vào sự phát triển ở mỗi giai đoạn mà các loại sữa sẽ ưu tiên cung cấp những chất dinh dưỡng tương ứng.

Giai đoạn từ 0 – 6 tháng tuổi:

Đây là giai đoạn sơ sinh, trẻ cần được cung cấp kháng thể và các yếu tố miễn dịch trưởng thành để hỗ trợ cơ thể bé được khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh khi chuyển từ môi trường nước ối trong bụng mẹ ra ngoài môi trường hít thở không khí bằng cơ quan hô hấp. Ngoài ra, não bộ giai đoạn này phát triển rất nhanh để hoàn thiện nhiều chức năng và giúp trẻ thích nghi với môi trường mới. Đó là lý do quan trọng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên sữa mẹ là thức uống tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì sữa mẹ mang những kháng thể để hỗ trợ miễn dịch cho trẻ, cung cấp những chất béo và amino acid cần thiết cho não bộ phát triển.

Tùy từng độ tuổi và giai đoạn phát triển khác nhau, trẻ sẽ cần lượng sữa hàng ngày khác nhau.

Giai đoạn 6 -12 tháng tuổi:

Cùng với sự phát triển nhanh của cơ thể, trẻ cần nhiều năng lượng hơn và cần đa dạng thực phẩm hơn. Hệ tiêu hóa trẻ đang hoàn thiện dần và não bộ tiếp tục phát triển. Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn được khuyên tiếp tục cho trẻ bú theo nhu cầu. Song song điều này, cha mẹ được khuyên là tập cho bé ăn dặm để trẻ nhận đủ những chất dinh dưỡng chuyên biệt như nguyên tố sắt chẳng hạn. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn vẫn cần được giới thiệu ăn dặm.

Tuy nhiên, theo Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, sữa tươi thanh trùng hay tiệt trùng không được giới thiệu cho trẻ dưới 1 tuổi vì hàm lượng protein và một số chất khoáng chưa thích hợp cho hệ tiêu hóa của các bé.

Ở giai đoạn này, bé bú sữa mẹ theo nhu cầu hoặc sữa công thức sơ sinh ≤ 500 ml.

Giai đoạn 1-2 tuổi:

Trẻ bắt đầu vận động và cần nhiều hơn chất béo để duy trì phát triển các hoạt động nhận thức não bộ. Trẻ bắt đầu biết đi, chạy và học nói, những hoạt động cần nhiều năng lượng để đối soát mỗi ngày.

Trẻ luôn được khuyên bú sữa mẹ theo nhu cầu.

Sau sữa mẹ, sữa tươi thanh trùng (là sữa có thời hạn sử dụng ngắn và cần bảo quản lạnh) là ưu tiên sử dụng trong giai đoạn này vì thành phần dinh dưỡng phù hợp hơn và mùi vị sữa cũng ít bị ảnh hưởng nên bé dễ chấp nhận. Tuy nhiên, nếu trong hoàn cảnh sữa tươi thanh trùng không có hoặc không có điều kiện bảo quản lạnh, bạn có thể dùng sữa tiệt trùng hoặc sữa công thức mà bé đã dùng trước đó, nhưng chế độ ăn thì nên có thêm những thành phần thịt gà và cá để cung cấp iodine và một phần axit amin thiết yếu từ nguồn chất đạm đó cho trẻ.

Sữa mẹ theo nhu cầu; sữa tươi thanh trùng/sữa công thức/sữa tươi tiệt trùng < 500 ml.

Giai đoạn 2-5 tuổi:

Trẻ gần như bước vào giai đoạn hoàn thiện các kỹ năng vận động, hoạt động tư duy não bộ và ổn định hệ tiêu hóa. Do đó, việc uống sữa nào không còn quan trọng, nguồn dinh dưỡng trẻ lấy chính là từ thức ăn hàng ngày. Sữa lúc này chiếm 20% khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Trẻ có thể dùng sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng hay sữa ép từ các hạt (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân…), tùy vào khẩu vị của trẻ. Ở giai đoạn hiện tại, sữa được xem như một phần bổ sung canxi và năng lượng cho trẻ. Do đó, uống quá nhiều sữa có thể làm bé no và ăn ít. Sữa cũng có thể được xem như một phần bổ sung năng lượng cho các bé nhẹ cân.

Sữa mẹ theo nhu cầu hoặc sữa các loại: 1-2 ly (ly 200 ml)/ngày.

Nguồn: Gia đình Việt Nam