Dòng sự kiện:

Trẻ vòi vĩnh, so bì tiền lì xì Tết, đây là cách chuyên gia khuyên cha mẹ nên làm!

19:00 16/02/2018
Theo TS. Vũ Thu Hương, cha mẹ nên dạy con ý nghĩa của lì xì và có những răn đe, dạy dỗ từ trước thì chắc chắn trẻ sẽ không phạm phải những lỗi như thế.

Ngày Tết không thể thiếu những phong bao lì xì nhỏ xinh, màu đỏ của nó tượng trưng cho sự may mắn và chứa đựng tấm lòng của người tặng. Tuy nhiên, cũng chính từ những phong bao lì xì đó lại có thể nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có, hay những thái độ chưa đúng mực của trẻ đối với người lớn.

Trẻ vòi vĩnh tiền mừng tuổi, hay so sánh số tiền trong những phong bao lì xì không phải là hiếm gặp. (Ảnh minh họa)

Vấn đề có nên tiêu tiền lì xì của con, dạy con cách nhận lì xì và sử dụng số tiền đó sao cho đúng vẫn còn là điều khiến cách bậc phụ huynh trăn trở. Bởi trên thực tế trẻ thích được tùy ý sử dụng số tiền mừng tuổi của mình còn các mẹ thì luôn muốn tìm cách "giữ hộ". Và chuyện trẻ vòi vĩnh tiền mừng tuổi, hay so sánh số tiền trong những phong bao lì xì không phải là hiếm gặp.

“Muối mặt” vì con đòi tiền lì xì của khách

Tết đến, trẻ mặc nhiên là mình sẽ được nhận tiền mừng tuổi từ ông bà, cha mẹ, họ hàng và cả những vị khách tới nhà. Chính suy nghĩ đó khiến trẻ đòi hỏi lì xì khi người lớn không chủ động đưa cho mình.

Đó là trường hợp xảy đến với gia đình chị Nguyễn Lan Hương (Hà Nội). Chị chia sẻ: "Mùng 2 Tết năm ngoái, có 3 vị khách là các đồng nghiệp của chồng đến nhà chúc Tết, mình lúi húi dọn mâm trong bếp, khi vừa bưng mâm ra thì nghe tiếng con bảo “Bác chưa lì xì cho con”  trong khi tay đang cầm phong bao lì xì rồi. Vị khách vui vẻ rút tiền trong ví ra đưa con. Ôi trời, mình xấu hổ không biết làm thế nào, mắng con trước mặt khách thì không được, vừa mới bảo con lần sau không được thế, chưa kịp nói con cảm ơn thì nó đã cầm tiền chạy tót ra sân”.

Chị Hương cho biết thêm, vì nghĩ cháu mới 6 tuổi nên chị cũng không nghĩ đến chuyện lì xì lại phức tạp như vậy. Con thì cứ nghĩ khách đến nhà, một người mừng tuổi thì những người kia cũng thế nên chờ đợi. Sau lần đó, chị phải quán triệt con ngay. Nhưng vì con còn nhỏ, con sẽ chỉ sợ khi bố mẹ có mặt ở đó, nên chị cũng rất lo lắng.

Ngày Tết trẻ mặc nhiên là mình sẽ được nhận tiền mừng tuổi từ người lớn. (Ảnh minh họa)

Còn chị Lê Thị Tuyết Mai (Hà Nội) thì lại bị con làm bẽ mặt vì chuyện tịch thu tiền lì xì của con. Chuyện là, mùng 1 Tết gia đình chị đến chúc Tết ông bà nội ngoại, khi ông nội cháu Minh (con trai chị Mai - 7 tuổi) mừng tuổi cho một lượt các cháu. Đến lượt Minh, cháu liền hỏi ngay lại ông: Ông ơi, tiền này là của cháu phải không, sao mẹ toàn thu, mẹ bảo mẹ còn phải mừng tuổi cho con nhà người khác.

Tôi tối sầm mặt vì xấu hổ, may mà chồng tôi nhanh chóng đỡ lời giải thích là mẹ giữ hộ vì con còn nhỏ chưa tiêu đến tiền, khi nào lớn mẹ đưa. Lúc đó nghĩ về nhà sẽ cho con một trận, nhưng nghĩ lại một phần lỗi cũng là ở mình vì chưa dạy con đúng cách, nên năm nay nhất định phải chỉnh đốn lại” - Chị Mai bộc bạch.

Đó chỉ là hai trong số những trường hợp điển hình về chuyện lì xì ngày Tết. Trẻ còn nhỏ, nhưng những sự việc trẻ chứng kiến hay những lời nói của người lớn các con đều rất nhớ. Và việc dạy con về văn hóa ứng xử khi nhận tiền lì xì thì không phải cha mẹ nào cũng làm đúng.

Dưới đây TS. Vũ Thu Hương, giảng viên ĐHSP Hà Nội sẽ chia sẻ về vấn đề này để cha mẹ có những phương pháp dạy cho đúng khi ngày Tết đang cận kề.

Dạy con từ ý nghĩa của phong bao lì xì

Xoay quanh những phong bao lì xì có rất nhiều câu chuyện. Và việc đầu tiên là bố mẹ phải day cho con biết về ý nghĩa của lì xì và không phải là tất cả các người lớn đều phải tặng lì xì cho trẻ.

TS. Vũ Thu Hương cho biết: “Các bố mẹ hãy nói cho con biết về ý nghĩa của lì xì. Đó là theo phong tục của người Việt Nam, bắt đầu từ 23 tháng Chạp thì các ông Táo là những người phụ trách bếp lửa, phụ trách sự an nguy và no ấm của cả nhà sẽ bay lên trời để hầu Ngọc Hoàng. Chính vì vậy trong khoảng thời gian Tết không có ông Táo ở nhà, rất có thể có những thế lực như quỷ dữ quấy phá gia đình. Và để phòng tránh những kẻ xấu hại những đứa trẻ thì người ta cho trẻ những đồng tiền nhỏ để giống như bùa hộ mệnh.

Nếu như đứa trẻ nắm được điều này thì các cháu sẽ không có thái độ so sánh các tờ lì xì mệnh gía lớn hơn hay nhỏ hơn mà bởi vì họ đã giúp trẻ chống lại các thế lựa ác ở trong sự tưởng tượng của trẻ. Nếu con bóc tờ lì xì ra xem xem mệnh giá bao nhiêu thì có thể quỷ dữ vẫn đến, con hãy giữ nguyên lì xì đó hãy đeo ở bên người để quỷ dữ không đến và sau khi hết Tết thì lúc đấy ông Táo sẽ trở về, lúc đấy con có thể bóc lì xì đó ra”.

Bà Hương cho rằng khi trẻ hiểu được ý nghĩa này thì các cháu sẽ không dám bóc nữa vì sợ bóc ra thì quỷ sẽ đến, và do vậy các cháu sẽ giữ cần thận và không có thái độ hỗn láo đối với những người đã tặng lì xì cho mình.

Cha mẹ có thể "tước đoạt" lì xì nếu con so bì, vòi vĩnh 

Cũng theo TS. Vũ Thu Hương thì bố mẹ không nên tịch thu và tiêu tiền lì xì của con mà hãy lập một quỹ riêng để con tự quản lý và bố mẹ chỉ là người "giữ hộ". Trong cách giao tiếp với trẻ cũng nên nhẹ nhàng, khéo léo để con thấy mình được tôn trọng.

Bên cạnh đó thì bố mẹ cũng nên dạy con cả cách lễ phép khi nhận lì xì. Khi các cháu được học ngay từ đầu thì về ý nghĩa của lì xì thì sẽ không có những hành động vòi vĩnh hay so sánh số tiền trong những phong bao lì xì khiến bố mẹ mất mặt. Còn nếu trong trường hợp các con đã có những thói quen xấu như vậy thì bố mẹ phải có những động thái để xử lý. Tuy nhiên nên tiến hành kín đáo để giữ cho con có sự tự trọng đối với tất cả mọi người.

“Đồng thời cũng cần răn đe để trẻ không có những hành vi xấu trước mặt người khác. Ví dụ bố mẹ nói là mỗi một lần con vòi vĩnh hay so bì lì xì thì con sẽ bị tước đoạt đi cái lì xì đó. Một lần bị mất lì xì đó thì lần sau đứa trẻ sẽ chú ý hơn để lần sau không phạm phải lỗi đó nữa. Có rất nhiều những mức độ phạt khi con có những hành vi xấu, tuy nhiên tôi nghĩ tốt nhất là  dạy con ý nghĩa của lì xì và có những răn đe, dạy dỗ từ trước thì chắc chắn là trẻ sẽ không phạm phải những lỗi như thế” - Bà Hương chia sẻ.

Ngày Tết không thể thiếu những phong bao lì xì, song các bố mẹ hãy chú ý hơn trong việc dạy con cách ứng xử ngày Tết, đặc biệt là dạy con có thái độ đúng mực và biết cảm ơn khi nhận tiền mừng tuổi từ người khác.

Theo Khám phá