Dòng sự kiện:

Trị bệnh “câu giờ” cho con

Theo GDTĐ
07:25 12/04/2019
Nhiều phụ huynh thường thắc mắc, tại sao trẻ hay có thói quen trì hoãn thời gian với những công việc mà chúng phải thực hiện hàng ngày. Ngược lại, với những điều mà trẻ mong muốn chúng lại rất hào hứng thích thú.

Làm sao để trẻ có thái độ hợp tác thoải mái theo yêu cầu, đó là mong muốn của nhiều phụ huynh.

Thói quen con trẻ

Chị bạn tôi chia sẻ, cứ mỗi buổi sáng thức dậy hai đứa trẻ nhà chị luôn khiến vợ chồng chị không thấy thoải mái. Thường thì chúng vẫn ườn èo trên giường mặc cho chuông điện thoại reng reng liên hồi. Vừa làm đồ ăn sáng cho con, chị vừa phải đi ra đi vào thúc giục, vậy mà năm lần bảy lượt chúng mới mắt nhắm mắt mở bước ra khỏi giường. Nhiều khi bực bội quá chồng chị phải quát mắng, tuy nhiên được vài bữa chúng lại đâu vào đó.

Sự động viên, khuyến khích là không thể thiếu khi muốn con trẻ hoạt động tích cực.

Có những lần cả hai vợ chồng chị phải đi công tác vắng nhà, trước khi đi chị đã dặn con phải chú ý tỉnh dậy đúng giờ để đi học. Chúng vâng dạ liên hồi, vậy mà sáng hôm đó chị không yên tâm liên tục gọi điện thoại về giục con từ sớm nhưng không đứa nào nhấc máy. Kết quả là cả hai đều muộn học. Nhắc nhở, mắng mỏ có, song dường như việc dậy đúng giờ để đi học nếu không có người khác ở bên thúc giục quả là rất khó khăn.

Việc trẻ chây ỳ, thiếu tự chủ trong sinh hoạt và học tập hàng ngày không phải là trường hợp hiếm gặp. Nhiều phụ huynh trên diễn đàn Làm cha mẹ cũng tâm sự: Không hiểu tại sao con mình năm nay đã học cấp hai mà không có sự tự giác. Nếu cha mẹ không nhắc nhở có lẽ sẽ thường xuyên đi học muộn. Tuy nhiên, đối với những buổi lớp tổ chức dã ngoại, đi chơi xa con chị lại rất sốt sắng và luôn đảm bảo đúng thời gian quy định.

“Trị bệnh” cho con

Chuyên gia Nguyễn Lan Hải cũng cho rằng: Nếu “bệnh cũ” của trẻ tái phát, trẻ có thể mải chơi quên cả giờ giấc, hoặc dùng dằng chưa dứt khỏi mấy trò vui, lần lữa mãi mới bắt đầu công việc; hay có lúc chúng “chống đối” thì cha mẹ cũng đừng nói nhiều hoặc chỉ trích, cứ để đứa trẻ tự nếm trải cảm giác thất bại, nhỡ việc, thua cuộc do bệnh lề mề của nó gây ra. Bởi có như vậy, trẻ mới rút ra được kinh nghiệm của bản thân.

Việc thay đổi phá bỏ nền nếp, thói quen cũ không phải là một việc dễ dàng. Vì vậy, ngay từ nhỏ phụ huynh nên rèn cho con một nếp sinh hoạt khoa học để con có thể học tập được tốt. Trên thực tế, nguyên nhân khiến những đứa trẻ trở nên lề mề hay chây ỳ cũng một phần do phụ huynh có thói quen thường xuyên nhắc nhở con trước mỗi công việc. Người lớn càng đốc thúc trẻ hay có xu hướng phụ thuộc lần lữa. Bởi vậy, quan trọng là cần rèn cho trẻ tính tự giác tự lập, biết lên kế hoạch cho thời gian biểu của mình.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Lan Hải, Chuyên gia cao cấp tại Viện Tâm lý Sunnycare, với những trẻ có thói quen hay chây ỳ, lần lữa, phụ huynh cần có biện pháp để hóa giải. Cha mẹ hãy mở “hội nghị” để các con cân nhắc và tự quyết định giờ giấc làm từng việc.

Sau khi trẻ đã đồng ý, hãy yêu cầu chúng liệt kê tất cả các việc cần phải làm trong ngày, phân tích và sắp xếp xem việc gì quan trọng cần ưu tiên làm trước, việc gì có thể giải quyết sau, làm mỗi việc mất bao lâu và tự mình lập thời gian biểu, dán lên tường chỗ dễ nhìn thấy. Cam kết thực hiện, trong đó cần nêu rõ những hậu quả con phải tự chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng cũng như phần thưởng nếu sau một tuần không vi phạm.

Chuyên gia Nguyễn Lan Hải cũng cho rằng: Nếu “bệnh cũ” của trẻ tái phát, trẻ có thể mải chơi quên cả giờ giấc, hoặc dùng dằng chưa dứt khỏi mấy trò vui, lần lữa mãi mới bắt đầu công việc; hay có lúc chúng “chống đối” thì cha mẹ cũng đừng nói nhiều hoặc chỉ trích, cứ để đứa trẻ tự nếm trải cảm giác thất bại, nhỡ việc, thua cuộc do bệnh lề mề của nó gây ra. Bởi có như vậy, trẻ mới rút ra được kinh nghiệm của bản thân.

Nguồn: Gia đình Việt Nam