Dòng sự kiện:

Trượt trường chuyên, làm thế nào để con không mất động lực học tập?

Theo PNVN
14:22 29/06/2018
Thời điểm này, Hà Nội và các tỉnh thành đều đã công bố điểm chuẩn vào các trường chuyên. Không ít các con trượt trường chuyên cảm thấy rất tuyệt vọng, xấu hổ khi không thể chạm tay vào giấc mơ của mình.

Biết con trượt trường chuyên, bố mẹ cảm thấy rất thất vọng. Ảnh minh họa

Chuyện của cô bé Mai Anh thi vào trường THCS Trần Đăng Ninh (trường chuyên của thành phố Nam Định) khá hài hước. Thi xong, bố mẹ xoắn xuýt hỏi con làm bài như thế nào. Thấy con bảo làm tốt, áng chừng điểm của con, cả nhà chắc mẩm con sẽ đỗ. Bố mẹ em quyết định thưởng cho con gái bằng việc mua vé bay cho cả nhà đi Nha Trang và Đà Lạt. Thế nhưng, đến ngày báo điểm, cả nhà chưng hửng khi con “trượt vỏ chuối”. Chỉ tội cho Mai Anh bị cả nhà “quây” vào mắng. Bố dằn vặt mẹ vì tội “giàu trí tưởng bở” khiến “mất oan” cả đống tiền. Cả nhà suốt mấy ngày sau đó “mặt buồn như đưa đám”, không khí ảm đạm, căng thẳng, chán nản. Cô bé Mai Anh vốn vô tư, hay nói hay cười cũng đi lại như cái bóng trong nhà. Bởi em biết, mình đã phạm lỗi lớn.

Đặt rất nhiều kỳ vọng cho cậu con trai học giỏi sẽ đỗ trường PTTH chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) khi cả năm lớp 9, chị Phan Hồng Diệp (Giáp Bát, Hà Nội) đầu tư khá nhiều tiền cho con đi học thêm (400.000đ/buổi học Toán). Thế nhưng, vừa nghe tin con thiếu 1,5 điểm, chị Diệp như “chết lặng”. Nhìn thái độ “muốn ăn tươi nuốt sống” của mẹ, cậu con trai chỉ biết cúi gằm mặt. Cậu cảm thấy mình vô dụng khi “chỉ có việc làm mẹ vui cũng không nổi”.

Thông minh, học giỏi nhất đội tuyển Toán của trường nên Đ.T.D (Mỹ Lộc, Nam Định) được các thầy cô và bố mẹ rất kỳ vọng đỗ vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Thế nhưng, trong 6 bạn của đội tuyển thi thì chỉ mình Dũng… trượt. Khỏi phải nói, Dũng đã buồn và thất vọng thế nào. Suốt cả mấy ngày sau đó, em chỉ nhốt mình trong nhà. Em cảm thấy vô cùng xấu hổ với các thầy cô giáo, bạn bè. Em cảm thấy rất có lỗi khi đánh mất niềm tin với bố mẹ.

Cũng may, bố mẹ em không dằn vặt, mắng chửi mà nói với em rằng không đỗ chuyên cũng không sao, chỉ cần con luôn cố gắng và biết phấn đấu là được. Thêm bạn bè động viên, em đã quyết tâm thi vào trường THPT Mỹ Lộc (Nam Định) và đỗ thủ khoa.

Chính việc cha mẹ quá kì vọng vào con để khi con thất bại, cha mẹ chuốc lấy bi kịch cho mình và cho con. Ảnh : T.H

Ngay từ khi con mới đi học, nhiều phụ huynh đã đặt mục tiêu cho con là phải đỗ trường chuyên. Chính với sự kỳ vọng như vậy nên khi con không đỗ, nhiều bố mẹ rất thất vọng về con. Trước áp lực của bố mẹ, những đứa trẻ bị cú sốc tâm lý, thậm chí stress. Chính việc cha mẹ quá kỳ vọng vào con để khi con thất bại, cha mẹ chuốc lấy bi kịch cho mình và cho con.

Chị Nguyễn Thị Thu (trường mầm non Tsukabi) chia sẻ, trước đây chị nổi tiếng học giỏi ở xã nên khi cấp 2 và cấp 3 đều trượt trường chuyên của tỉnh chị cảm thấy rất xấu hổ. Chị cho biết, sang Nhật sống và học tập, chính những thất bại và sự tự ti về thành tích thi cử, chị mới hiểu trượt trường chuyên chính là những trải nghiệm quý báu để mình có được tâm lí vững vàng khi ra đời. Thi trượt vào trường chuyên, trượt đại học, hay cả trường mình mong muốn không phải là cuộc đời mình chấm dứt, tấm vé đổi đời đã vuột khỏi tầm tay. Hãy nghĩ rằng biết đâu nó là cơ hội để ta nhặt được một tấm vé có ý nghĩa và phù hợp với cuộc đời của ta hơn.

Theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Thị Thu, thất bại trong thi cử vốn không đáng sợ. Đáng sợ lớn nhất là đứa trẻ đánh mất động lực để học tập. Động lực ở đây là thứ động lực đến từ bên trong, là thứ động lực khiến đứa trẻ sau mỗi lần vấp ngã lại có thể mạnh mẽ đứng lên. Còn thứ động lực bên ngoài (sự ganh đua, kì vọng của cha mẹ, sĩ diện với mọi người...) chỉ là thứ ảo ảnh bên ngoài, nó không thể giúp đứa trẻ đứng lên sau mỗi lần vấp ngã được.

Để có được động lực bên trong đứa trẻ rất cần bố mẹ xây dựng cho con 3 yếu tố:

1. Có mục đích, động cơ tốt đẹp cho việc học tập

Bác sĩ nổi tiếng người Nhật Inohara đã dành cả cuộc đời cống hiến cho cộng đồng, đã viết trong cuốn tiểu sử của mình: “Hãy học vì bản thân yêu thích việc học, chứ đừng bao giờ học vì ganh đua và vì thi cử”. Nếu chúng ta nghĩ về việc học hành với tâm thế ấy, sự thất bại trong thi cử sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

2. Xây dựng từng mục tiêu cho mục đích lớn phù hợp với khả năng: tinh thần chuyên nghiệp, thói quen chuyên cần, chăm chỉ mỗi ngày từng chút từng chút đạt được mục tiêu mình đề ra.

3.Để đứa trẻ được mở rộng nhân sinh quan và thật nhiều trải nghiệm phong phú trong cuộc đời. Để chúng tìm thấy giấc mơ của cuộc đời và phấn đấu vì giấc mơ ấy. Khi biết mình muốn gì, sống vì cái gì thì khó khăn đến đâu chúng cũng có thể vượt qua khi có mục đích sống cao đẹp như ngọn hải đăng dẫn đường.

Dành lời khuyên cho những phụ huynh, chị Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh: Cuộc sống rất khác những kì thi. Hãy để đứa trẻ được sống một cuộc đời phong phú, có những phút giây thăng trầm trong cảm xúc, mà thất bại là một nốt đô cực kì quan trọng.

Vì thất bại cho ta sự mạnh mẽ hơn, gai góc hơn để đến với cuộc đời vốn chưa bao giờ là bằng phẳng cả.

Nguồn: Gia đình Việt Nam