Dòng sự kiện:

TS Tâm lý Vũ Thu Hương: Trẻ học nhiều hơn trong lúc chơi

Đó là quan điểm của TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) khi bàn về sự thiếu cân bằng giữa chơi và học mà chính cha mẹ là những người đang "áp đặt" đối với trẻ em hiện nay.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, các cha mẹ thường dành sự quan tâm đặc biệt đến việc học của con. Có không ít cha mẹ sốt ruột khi thấy con chơi và sẽ thích nhất là con chăm chú học bài như cái máy, tuyệt đối không cần chơi chút nào.

Tuy nhiên, việc này dễ dẫn đến hệ lụy là gây áp lực và ức chế khiến trẻ thiếu hụt những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để đối phó với các tình huống trong cuộc sống, phát triển thiếu toàn diện thậm chí có nguy cơ phạm vào những việc làm đáng tiếc. Bởi vậy, giữ cho con luôn quân bình tâm lý thì vui chơi là một giải pháp tuyệt vời. Dạy con chơi là 1 nhiệm vụ không hề đơn giản.

Trên thực tế, trẻ học được rất nhiều điều bổ ích trong lúc chơi và trở nên chủ động hơn trong các hoạt động. Ví dụ, trẻ có thể khám phá ra rất nhiều điều kì diệu khi đi chơi công viên: (cái cây này lá cứ dài dài (cây me, cây phượng), nhảy vào cát không bị đau chân ...) khi chơi các trò chơi dân gian (cô ơi, thày thuốc là gì? trong trò chơi rồng rắn lên mây)... Và chúng ta thường nói, chơi là học chính ở chỗ đó đó.

Vậy các bậc cha mẹ đã cho con chơi đủ chưa?

Theo TS. Vũ Thu Hương, số giờ vui chơi sẽ giảm dần theo độ tuổi nhưng không thể biến mất hoàn toàn. Tuổi lên 5, số thời gian chơi sẽ chiếm gần như 100% thời gian rảnh của các bạn ấy (tức là ngoài giờ ăn, ngủ, vệ sinh,...).

Đến tuổi tiểu học, giờ vui chơi sẽ giảm từ 100% xuống dần dần còn khoảng 40%. Nếu như không đáp ứng được đủ số này, khả năng tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.

Đến tuổi THCS, số thời gian chơi cũng cần phải được đảm bảo được là 30 - 20% thời gian và nên duy trì như vậy cho đến hết bậc THPT.

Một số trò chơi để học dành cho trẻ:

1.Thể thao

Các môn thể thao vận động sẽ giúp trẻ giải phóng năng lượng dư thừa một cách có kế hoạch khiến cho thân hình nở nang và chiều cao phát triển. Các môn quen thuộc với phát triển chiều cao là bóng rổ, nhảy cao, nhảy xa, ... Các môn này cha mẹ rất cần cho con tập luyện đều đặn khoảng 2 lần/tuần.

2. Trò chơi phát triển trí não

Chơi cát, chơi lego, xếp hình, là các loại trò chơi phát triển trí não cực kì tuyệt vời. Con có thể chơi cả ngày nếu cha mẹ lâu lâu lại vào chụp ảnh những sản phẩm của con và khen ngợi con chút xíu. Điều này sẽ giúp cho phát triển khả năng tưởng tượng sáng tạo rất tốt. Con có thể hình dung ra những thứ mà con đã từng nhìn thấy trong cuộc sống và con sẽ tự mình tái tạo nó bằng cát, bằng lego, bằng gỗ xếp hình...

3. Các trò chơi tái tạo cuộc sống

Đó là chơi đồ hàng, đi xe đạp và sửa chữa xe đạp, ... những trò chơi này sẽ đào tạo cho các con kĩ năng sống cực kì tốt. Các cha mẹ có khi không mất thời gian dạy dỗ mà con vẫn thành thạo kĩ năng sống nhờ thông qua mấy trò chơi này.

4. Các trò chơi dân gian

Bắn chun, nhảy dây, rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột, ô ăn quan, tam cúc.... luôn đầy ắp sự thú vị để các con có thể học kĩ năng sinh hoạt tập thể, kĩ năng làm việc nhóm. Vậy tại sao không cho con chơi cơ chứ?

5. Hoạt động ngoại khóa

Các buổi học ngoại khóa thú vị như đi thăm các cơ sở sản xuất, các vườn thú, công viên sẽ cho các con nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Từ đó các con tích lũy kĩ năng sống và kinh nghiệm sống cần thiết. Vì thế, không thể thiếu được ngoại khóa.

Nguồn: Gia đình Việt Nam