Dòng sự kiện:

Từ vụ hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà: Cha mẹ dừng ngay thói quen chữa bệnh kiểu truyền miệng

Hầu hết phụ huynh có con điều trị bệnh sùi mào gà chia sẻ rằng họ đưa con đến nong tách tại phòng khám nhà bà Hoàng Thị Hiền ở Hưng Yên là do nghe theo mách bảo.

Xung quanh vụ việc hàng loạt bé trai mắc sùi mào gà sau khi thực hiện nong tách, cắt bao quy đầu ở một cơ sở không phép, không biển hiệu, y sĩ tự nhận mình là bác sĩ và quảng cáo làm việc ở bệnh viện nhi... dư luận tỏ ra phẫn nộ không chỉ với hành vi của bà Hiền mà còn cả đối với cách chữa bệnh theo kiểu truyền miệng của các bậc phụ huynh. Kết quả cuối cùng đã làm hại chính con mình.

Hầu hết phụ huynh có con điều trị bệnh sùi mào gà tại BV Da liễu Trung ương đều chia sẻ rằng họ đưa con đến nong tách, cắt bao quy đầu tại phòng khám nhà bà Hoàng Thị Hiền ở Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên là do nghe theo mách bảo. 1 đồn 10; 10 đồn 100… cứ thế hàng chục gia đình đã không chút ngần ngại bế thẳng con em mình đến giao cho bà Hiền. Trẻ lớn đã đành, thậm chí có những bé mắc bệnh sùi mào gà khi mới hơn 6 tháng tuổi, trên thực tế, lúc cha mẹ mang con đi thực hiện nong tách bao quy đầu, trẻ mới chỉ khoảng 4 tháng tuổi mà thôi.

Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, không cần thiết phải lạm dụng việc nong tách, cắt bao quy đầu khi trẻ còn quá nhỏ. Hiện tượng hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ là sinh lý hết sức bình thường, khi đến một độ tuổi nhất định hẹp bao quy đầu sẽ tự hết.

Việc chít hẹp bao quy đầu chỉ nên thực hiện đối với các bệnh nhân gặp bệnh lý do bị hẹp bao quy đầu. Trong trường hợp bắt buộc phải đi chít hẹp bao quy đầu cần phải tới BV, tuyệt đối không làm theo các phương pháp dân gian hoặc tới các cơ sở không uy tín. Chính sự thiếu hiểu biết thông tin khoa học, nhưng lại thừa thông tin truyền miệng mà các bậc phụ huynh đã “đánh cược” sức khỏe của con em mình. Đây là bài học hết sức chua xót.

Ngay sau khi đọc những thông tin trên Báo Sức khỏe&Đời sống về vụ việc này, độc giả Nguyễn Minh Đức (minhduc196088@gmail.com) đã chia sẻ: "Thật đáng trách bố mẹ cháu bé đã hồ đồ đưa con đi cắt bao quy đầu khi cháu mới hơn 6 tháng tuổi, mà không đưa con vào cơ sử y tế uy tín để thực hiện... Đây là bài học xương máu cho những ai chủ quan, hồ đồ tin vào sự đồn thổi của dư luận để rồi rước họa vào thân, làm ảnh hưởng đến tương lai tươi sáng của con trẻ...".

Một trường hợp trẻ mắc sùi mào gà điều trị tại BV Da liễu Trung ương.

Không chỉ ở các vùng quê xa xôi, ngay tại Hà Nội và các vùng lân cận cũng đã xảy ra không ít các trường hợp tự ý mua thuốc, tự ý điều trị khi bị bệnh, tự ý dùng thuốc cam để “kích thích” trẻ ăn ngon miệng, tự làm theo các bài thuốc dân gian không rõ từ bao nhiêu đời truyền lại… Để rồi cuối cùng, hiệu quả chưa thấy đâu mà chỉ thấy rất nhiều trẻ phải cấp cứu nguy kịch, phải thở máy, thậm chí tử vong vì ngộ độc chì, vì sự chủ quan của người lớn.

Dù các bác sĩ đã liên tục cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng thỉnh thoảng, dư luận vẫn hết sức bàng hoàng khi đọc những dòng tin như “Cha mẹ tự ý dùng thuốc cam khiến con 6 tháng ngộ độc chì nặng phải thở máy"; "Trẻ nhiễm độc chì nguy kịch vì cha mẹ tự ý bôi thuốc cam chữa viêm da"; "Nguy kịch vì tự ý dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc"; "Một phụ nữ bị liệt sau 2 tháng tự ý uống thuốc nam chữa đau khớp"; hay "Suy thận cấp do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc…”.

Có một điều lạ là, chữa bệnh theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa – chưa chắc họ đã tin nhưng không hiểu sao chỉ một lời mách bảo, chỉ một câu “nghe nói thầy lang này chữa tốt lắm, nhiều người khỏi bệnh rồi” thì dân ta lại dễ dàng bỏ tiền túi ra mua một đống lá lẩu, cành cây khô được cho là thuốc Đông y về dùng. Và thật lạ, đôi khi lại cảm thấy… đỡ!. Tài tình đến thế là cùng!

Hậu quả nặng nề từ việc nghe theo truyền miệng đắp lá chữa bỏng nước sôi.

Trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc đang điều trị tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai.

Chia sẻ với chúng tôi, không ít bác sĩ tỏ ra ngán ngẩm với cách chữa bệnh “không sợ chết” của rất nhiều người dân. “Tiền mất tật mang”, cuối cùng khi bệnh “thập tử nhất sinh” họ lại dắt díu nhau vào bệnh viện “thôi thì trăm sự nhờ bác sĩ…”, còn các ông lang, bà mế thì cứ nhởn nhơ ngoài kia chẳng ai làm gì được.

Quay trở lại với vụ việc hàng loạt trẻ mắc bệnh sùi mào gà tại Khoái Châu, Hưng Yên, TS.BS Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, BV K Trung ương cho biết, chị thật sự rất phẫn nộ trước những phương pháp truyền miệng, vì tin theo truyền miệng mà người ta không cần xác minh, không cần biết đúng sai, thực hư thế nào, cứ chữa đi đã.

Trong quá trình làm việc, chị cũng đã từng chứng kiến không ít cảnh cha mẹ mang con đi chữa ung thư theo lời đồn thổi, đưa con đến cơ sở chữa bệnh không có biển hiệu, không biết “bác sĩ” này công tác ở đâu, có được cấp chứng chỉ hành nghề về lĩnh vực này không để rồi gây ra hậu quả đau lòng, trẻ đến viện thì bệnh đã di căn... Trước những ca bệnh như thế, các bác sĩ vừa xót xa vừa tức giận vô cùng!

Vụ việc hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với cộng đồng: “Cứ chữa bệnh theo truyền miệng đi, rồi bạn sẽ lãnh đủ hậu quả!”.

Nguồn: Gia đình Việt Nam