Dòng sự kiện:

Từ vụ học sinh Nghệ An tự sát: Cha mẹ có nên cấm trẻ yêu trong thời học sinh?

08:36 17/03/2018
Cấm học sinh yêu mang đến nhiều hậu quả rất nặng nề. Từ việc tạo ra những khoảng cách, vết nứt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh đến việc đẩy học sinh vào những bất ổn vì đi ngược lại quá trình phát triển của con người.

"Anh chị có đồng ý cho con của mình yêu trong khi còn là học sinh không?" - Không!

Đó là câu trả lời tôi nhận được từ đa số phụ huynh trong những buổi chia sẻ về phương pháp giáo dục con cái cũng như trò chuyện trực tiếp khi làm tham vấn tại trường học.

Không chỉ phụ huynh, một số giáo viên và ban giám hiệu ở các trường THCS và THPT có chung lối suy nghĩ này.

"Yêu là xấu"?

Cô H, tổng phụ trách Đội của một trường THCS tại Thủ Đức nói với tôi: "Thầy ơi, học sinh bây giờ yêu quá chừng, thầy đến trường nói chuyện sao cho học sinh không có yêu nữa để tập trung vào học tập." Gần tương tự, hiệu phó chuyên môn của một trường THPT tại Phú Nhuận đề nghị "nội dung hôm nay nhờ thầy trao đổi để học sinh thấy yêu là xấu và tập trung vào việc học".

Có lẽ xuất phát từ tâm lý e ngại học sinh bị cuốn vào chuyện tình cảm rồi sao nhãng học tập, rèn luyện nhân cách cũng như những bất trắc có thể xảy ra về mặt sinh lý, giới tính nên nhiều người lớn không ủng hộ, thậm chí ngăn cấm trẻ yêu trong thời học sinh.

Trong quá trình tham vấn ở trường học, tôi nhận được nhiều đề nghị cũng như câu hỏi của phụ huynh như: "Nhờ thầy tư vấn cho con tui hết yêu", "Con tui yêu quá, nhờ thầy chỉ giúp tui cách cấm nó",… Nhưng có một điều thú vị là sau khi nói chuyện thì hầu như các vị phụ huynh ấy ngày xưa cũng bắt đầu để ý bạn khác giới rồi yêu cũng tầm tuổi như con lúc bây giờ, dù cách thức yêu thì có phần "hiền" hơn các em!

Cùng với sự phóng khoáng của điều kiện sống và phát triển của khoa học công nghệ, việc cấm trẻ yêu trở thành ngoài sức của phụ huynh (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, theo tâm lý học lứa tuổi thì từ thời điểm dậy thì (khoảng đầu học sinh THCS), trẻ bắt đầu xuất hiện những xúc cảm giới tính và có một mối quan hệ mới xuất hiện nơi trẻ là tình yêu. Cũng ở giai đoạn này, mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa chiếm vị trí quan trọng và chi phối rất lớn đến đời sống của trẻ.

Ngoài ra, đời sống cảm xúc luôn có sức tác động mạnh mẽ đến con người, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, khi ý chí và tính lý trí trong nhận thức và ứng xử của trẻ chưa hoàn thiện như người trưởng thành. Cùng với sự phóng khoáng của điều kiện sống và phát triển của khoa học công nghệ, việc cấm trẻ yêu trở thành ngoài sức của phụ huynh, thậm chí còn tạo ra những hậu quả đáng tiếc.

Những câu chuyện như một em gái ở Hải Phòng tự sát vì bị ba mẹ cấm cản tình yêu, chuyện hai em học sinh ở Phú Riềng (Bình Phước) cùng uống thuốc tự tử cùng lý do…. luôn là những bóng tối khó phai trong tâm trí mỗi người cha người mẹ. Cũng như một trường hợp đau lòng mà tôi tiếp xúc trong phòng tham vấn gần đây và đã xin phép gia đình dùng làm ví dụ trong mỗi lần chia sẻ với quý phụ huynh để làm hồi chuông cảnh tỉnh.

L là học sinh lớp 11. Gia đình L rất nghiêm khắc và không chấp nhận việc L yêu đương trong thời học sinh. Lý do được đưa ra là "tập trung cho việc học".

L học tốt, ngoan ngoãn và cả gia đình rất yên tâm tự hào. Tuy nhiên một hôm cả gia đình phát hiện L bị băng huyết và ngất xỉu trong nhà vệ sinh. Sau khi được cấp cứu, cả gia đình từ bàng hoàng đến thảng thốt khi bác sĩ thông báo "L phá thai, không được xử lý tốt nên bị xuất huyết nhiều nên ngất xỉu, may đem vào kịp…".

Sự thật là L yêu một bạn nam cùng lớp. Sợ ba mẹ trách mắng nên hai đứa lén lút quen nhau và phải hẹn hò vào những lúc đêm vắng vì ở trường thì phải giấu, sợ thầy cô biết sẽ đến tai cha mẹ, các giờ khác thì cha mẹ luôn kiểm soát đưa đi đón về không gặp nhau được. Vậy là sau một lần trèo cửa sổ để hẹn hò, không quản lý được xúc cảm, L phát hiện mình có thai.

Sợ gia đình phát hiện, hai em đã dẫn nhau đến một phòng phá thai tư nhân để bỏ đứa con với hy vọng mọi chuyện sẽ êm xuôi, nhưng ai dè cái kết không như mong muốn. Thậm chí còn đau lòng hơn khi bác sĩ cho biết từ đây, L không còn khả năng làm mẹ vì tử cung đã bị tổn thương nặng.

Cha mẹ cần là quân sư của con

Từ thực trạng trên, chúng ta thấy cấm học sinh yêu mang đến nhiều hậu quả rất nặng nề. Từ việc tạo ra những khoảng cách, vết nứt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh đến việc đẩy học sinh vào những bất ổn vì đi ngược lại quá trình phát triển của con người. Đó là chưa nói đến việc đẩy học sinh sinh vào những phản kháng, chống cự dẫn đến sự phát triển lệch về nhân cách, cũng như những xáo trộn trong gia đình.

Hoặc là học sinh sẽ yêu lén lút và với ngưỡng cửa mới lớn thiếu lý trí, nhiều cảm xúc, thích khám phá, lại thiếu định hướng thì quả rất nguy hiểm cho sự phát triển cả thể lý lẫn tâm lý của các em. Nguy hiểm hơn, các em tìm đến những hành vi hủy hoại bản thân như rạch tay, sống buông thả, nghiện rượu, ma túy,…thậm chí là tự sát hoặc gây hấn để phản kháng sự cấm cản của phụ huynh.

Bên cạnh đó, nhìn một cách khách quan thì tình yêu đích thực có đặc điểm là một nguồn lực to lớn để tạo sự phát triển toàn diện cho một con người. Nếu trẻ yêu đúng thì sẽ nhắc nhở động viên nhau học tập, ăn uống, rèn luyện sức khỏe, tương giao với những người xung quanh,… Nhờ vậy trẻ sẽ học tốt hơn, sức khỏe tăng cường, các mối quan hệ cũng cải thiện, các phẩm chất nhân cách cũng được nâng cao để đáp ứng yêu cầu của tình yêu và những mối quan hệ có liên quan.

Vậy nên thay vì cấm, người lớn nên sử dụng tình yêu như một công cụ để giáo dục trẻ trưởng thành. Phải trở thành những đồng minh, quân sư để cố vấn và định hướng cho tình yêu của con mình phát triển đúng hướng. Đồng thời cũng có thể phát hiện, giải quyết kịp thời khi trẻ có những khó khăn hoặc vấn đề cần hỗ trợ. Qua đó xây dựng môi trường trường học thân thiện, gia đình an vui và cũng giúp học sinh phát triển và hoàn thiện nhân cách bản thân cách hiệu quả.

Theo Helino