Dòng sự kiện:

Từ vụ phát hiện phòng khám tiêm thuốc giảm béo 'chui': Chuyên gia cảnh báo gì?

Giảm cân là nhu cầu làm đẹp chính đáng cho những ai đang có một thân hình “quá khổ”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi áp dụng biện pháp giảm cân nhanh thì cơ thể cũng giảm trao đổi chất, thể tích các cơ giảm, dẫn đến suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, đối với phụ nữ còn bị rối loạn kinh nguyệt..., việc tác động bằng thuốc để giảm cân nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Giảm béo “chui” cho khách hàng

Chiều ngày 6/9, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra Thẩm mỹ viện Rose (địa chỉ 47 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội). Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này quảng cáo, thực hiện nhiều dịch vụ không thuộc phạm vi chuyên môn được cấp phép. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở mở cửa hoạt động, có khách hàng đang điều trị chăm sóc da.

Tuy nhiên, kiểm tra giấy tờ khách hàng được theo dõi tại Thẩm mỹ viện Rose, đoàn phát hiện cơ sở này có thực hiện dịch vụ tiêm giảm béo. Theo ông Tô Tử Anh, Phó Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân, trong số khách hàng ở đây có một khách hàng đã được nhân viên tiêm 2 mũi giảm béo vào vùng bụng với giá 5 triệu đồng, nhưng chưa thấy hiệu quả.

Thời điểm kiểm tra, đoàn cũng không phát hiện các thuốc dạng tiêm và bơm tiêm tại cơ sở. Tuy nhiên, với việc phát hiện dịch vụ tiêm giảm béo và truyền trắng, ông Tử Anh khẳng định: Cơ sở Thẩm mỹ viện Rose đã hoạt động không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện fanpage của Thẩm mỹ viện Rose quảng cáo bằng clip về dịch vụ truyền trắng tại cơ sở, trong clip có số điện thoại, tên và địa chỉ cơ sở này. Tuy nhiên, vị phụ trách chuyên môn của Thẩm mỹ viện lại cho biết, hình ảnh, không gian và bác sĩ trong clip... không phải của Thẩm mỹ viện Rose.

Đoàn công tác cũng yêu cầu cơ sở gỡ bỏ quảng cáo này và yêu cầu trong tuần này, đại diện cơ sở sẽ có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về vấn đề chuyên môn y tế. Được biết, trước đó khoảng 1 tháng, cơ sở này cũng bị UBND TP Hà Nội ra quyết định xử phạt do quảng cáo và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ ngoài phạm vi được cấp phép.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện Thẩm mỹ viện Rose tiêm thuốc giảm béo “chui” cho khách hàng. Ảnh: PV

Chuyên gia nói gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tại Việt Nam, hiện có rất nhiều loại thuốc giảm béo đang lưu hành trên thị trường, gồm 2 dạng là thuốc uống và thuốc tiêm - trong đó thuốc tiêm là những loại như photphatidylcholine, deoxycholate, lipostabil, dermaheal LL liponsaure hoặc tổng hợp 3 chất choline, inostiol và methionine. Nhưng dù thuộc dạng nào, nó cũng vẫn quy về 3 loại chính. Đó là thuốc làm no ống tiêu hóa, thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể và thuốc gây chán ăn.

Theo đó, dù là thuốc uống hay thuốc tiêm, việc giảm cân đòi hỏi một quá trình điều chỉnh dinh dưỡng và tiêu hao năng lượng cơ thể, chứ không thể ngày một, ngày hai là có thể giảm cân ngay được.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải (nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thừa cân, béo phì là do quá trình ăn uống thừa chất dinh dưỡng sinh năng lượng nhưng lại không có sự vận động thích hợp để tiêu hao năng lượng. Vì vậy, để giảm cân phải đồng thời tác động đến 2 yếu tố: chế độ dinh dưỡng hợp lý và chế độ tập luyện thể dục thích hợp.

Nếu chỉ dùng thuốc giảm béo khi chế độ ăn uống, luyện tập không kiểm soát được trọng lượng hoặc những người có vấn đề sức khỏe như các bệnh lý về tim mạch (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột qụy não), xương khớp... những loại thuốc trên đều có tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe người sử dụng, trong đó nguy hiểm nhất là loại thuốc gây chán ăn.

Nói về việc hiện nay nhiều cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng thuốc cho khách hàng với mục đích giảm cân, bà Hải cho rằng: Thuốc giảm cân phải được dùng theo chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Trước khi lựa chọn một loại thuốc giảm cân cho người dùng, bác sĩ sẽ xem xét lịch sử sức khỏe, các nguy cơ bệnh tật, tác dụng phụ và tương tác tiềm năng của thuốc giảm cân với các loại thuốc khác mà người dùng đang sử dụng để chỉ định thuốc phù hợp, an toàn... Thuốc sẽ có hiệu quả cao khi người dùng thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, luyện tập thể lực tích cực.

Khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng đối với người có nhu cầu giảm cân là cần cảnh giác với các loại thuốc giảm cân nhanh, cấp tốc... Thực chất các loại thuốc “giảm cân cấp tốc” này chỉ là những thuốc gây tiêu chảy, mất nước và không được gọi là thuốc giảm béo. Người dùng có thể gặp những biến cố tai hại do sự thay đổi quá nhanh và quá đột ngột gây ra. Không nên mua thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường, đề phòng hàng kém chất lượng, chứa chất cấm... gây những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe, tiền mất tật mang.

Nguồn: Gia đình Việt Nam