Dòng sự kiện:

"Tuyệt chiêu" để con mê nhà trẻ ngay từ những ngày đầu

03:00 23/02/2016
Chị Nguyễn Thị Thu, một mẹ Việt trẻ đang sống và làm việc ở Tokyo, Nhật Bản chia sẻ “tuyệt chiêu” để con làm quen và thích lớp học ngay từ những ngày đầu.

 

 

 

 

Với nhiều mẹ Việt, để con nhỏ đến trường mầm non dường như là điều rất khó khăn. Đó là bởi vì khi đó, các con còn nhỏ, đến với môi trường với rất nhiều người xa lạ suốt cả một ngày dài khiến nhiều bé sợ hãi, khóc dữ dội. Và nhiều ông bố bà mẹ lo lắng, không biết nên xử lý tình huống này bằng cách nào.

Bài viết của chị Nguyễn Thị Thu là gợi ý đầy hữu ích để các mẹ tham khảo:

1. Sự xáo trộn tâm lí và rất cần mẹ vỗ về khen ngợi để trẻ cảm thấy an toàn

Với trẻ con mà nói, (đặc biệt là giai đoạn 0-6 tuổi) một môi trường gia đình bình yên và nhịp sinh hoạt có nhịp điệu, ít có sự xáo trộn rất quan trọng để nuôi dưỡng cho trẻ một cảm giác an toàn và bình an. Trẻ sẽ rất nhạy cảm và dễ lo sợ với những gì xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày. Và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí và tính cách sau này: nhút nhát, lo sợ, tự tin, vui vẻ...

Đi nhà trẻ chính là một sự kiện thay đổi lớn lao trong cuộc sống hàng ngày vốn đang êm đềm của trẻ. Trẻ chuyển sang tiếp xúc với một môi trường mới lạ, những con người xa lạ và nhất là phải xa rời vòng tay mẹ sẽ khiến trẻ bất an, hoảng hốt, và lo sợ. Vì thế hầu như trẻ nào đi học trong những ngày đầu cũng khóc là vì thế.

Hiểu được điều ấy nên các trường mầm non Nhật đều khuyến khích cha mẹ đón con về sớm, hầu hết các trường sẽ cho cha mẹ được ở cùng con thời gian đầu để con đỡ lo sợ. Khi đón con về hãy khen ngợi con thật nhiều, hãy dành 5-10 để ôm con và cho con cảm nhận tình yêu trong sự ôm ấp của mẹ.

Ở trường mầm non Tsubaki cũng thế, nhà trường khuyến khích phụ huynh nên ở bên con, học cùng con trong 1-2 tuần đầu tiên để con tập dần với sự thay đổi môi trường. Mẹ có thể ngồi học, chơi, ăn trưa cùng con, để con làm quen với bạn bè và cô giáo cũng như trò chuyện để cho con hiểu và tin tưởng với các cô hơn. Khi con đã dần dần quen với môi trường thì sẽ nhanh chóng vượt qua sự sợ hãi lo âu khi mẹ không còn ở cùng nữa. Có khi mẹ có thể ở cùng con cả 1 tháng cũng không sao.

Mẹ hãy đón sớm trong 1-2 tuần đầu, hãy vỗ về khen ngợi con thật nhiều "Con mẹ ngoan quá. Con xa mẹ nhưng rất cố gắng. Con đi học thật ngoan. Mẹ yêu con nhiều lắm. Cảm ơn con". Đây là những câu mình nói với Bon suốt trong những ngày đầu con đi học. Về đến nhà mình sẽ ôm con 5-10 phút để chơi cùng con cho con cảm thấy an toàn mới đi làm việc nhà.

2. Chỉ khi trẻ cảm nhận được yêu thương thì mới mạnh dạn trao đi sự tin tưởng của mình

Ở giai đoạn 0-3 tuổi, việc xây dựng cho bé lòng tin và sự tin tưởng đối với người khác chính là một việc rất quan trọng để giúp trẻ tự tin thể hiện bản thân mình cũng như rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Muốn trẻ tin tưởng với các bạn và các cô giáo, trẻ phải cảm nhận được tình yêu thương và sự thừa nhận ở các cô trước đã thì mới có thể mạnh dạn trao cho các cô sự tin tưởng của mình. Xây dựng lòng tin với người khác ở những năm tháng đầu đời chính là giúp con xây dựng một tâm hồn nhân văn, biết suy nghĩ và yêu thương người khác. Đây là 1 trong 5 phương châm của trường.

3. Được mẹ một bạn nào đó học cùng lớp, chơi cùng là 1 món quà nhỏ thú vị với các bạn nhỏ

Mình cảm nhận rõ điều này là khi mình có 1 ngày trải nghiệm ở trường của Bon, cùng đi dạo, cùng hát, cùng ăn cùng chơi với con ở lớp của con. Các bạn nhỏ thấy có mẹ Bon đến là cứ ríu rít nói cười gọi mama, Trung kun (tên thật của Bon) no mama, đôi khi còn nũng nịu đòi ôm bế, vuốt má mẹ cười. Có lẽ các em nhỏ đang nhìn thấy hình ảnh của mẹ mình trong chính mẹ của Trung kun thì phải. Vì thế mầm non Tsubaki rất khuyến khích các Phụ huynh tham gia vào việc trải nghiệm 1 ngày cùng con ở trường để hiểu được các con ở trường trải qua 1 ngày ra sao, để từ đó có những uốn nắn thói quen sinh hoạt và tự lập ở nhà phù hợp với ở trường, và để nhà trường và phụ huynh thấu hiểu nhau hơn.

Nhà trường là ánh sáng, gia đình là nước hay ngược lại gia đình là ánh sáng và nhà trường là nước đều vậy, đều vô cùng cần thiết với sự phát triển của con trẻ ở đây chính là một mầm non mới mọc, nên mối liên kết giữa nhà trường và gia đình càng bền chặt thì càng tốt cho con.

Bài viết của chị Thu nhận được sự quan tâm của nhiều mẹ Việt. Facebook Kim Thoa đồng cảm: “Con trai mình đi học đầu tiên tại một trường, mình bị mấy cô đuổi về ngay lập tức, bé khóc quá trời. Cô giáo bảo là mẹ ở lại thì các bé khác sẽ nhõng nhẽo đòi mẹ theo. Trong khi bé chưa thấy yên tâm tin tưởng vào cô giáo và còn nhìu vấn đề không ổn nữa. Cạch luôn trường đó, và chuyển trường khác, cô giáo khuyến khích ở lại chơi với bé. Bé yên tâm và học đến bây giờ. Cho mình share bài viết nhé. Cảm ơn”.

Hay như bạn Hue Hoang cũng tâm sự: “Một số trường mầm non mình đi tham khảo, đều nói là mẹ không nên ở lại, như thế trẻ sẽ lâu thích nghi và ảnh hưởng đến các bạn khác. Cuối cùng mình chọn trường cho phép mẹ ở lại kèm con trong những ngày đầu.

Cứ tưởng tượng, một đứa trẻ con đang được bao bọc trong vòng tay người thân, tự dưng bị đưa vào một môi trường xa lạ, trẻ sẽ rất hoang mang, thậm chí có trẻ còn thấy sợ hãi tột độ. Ai cũng cần phải có thời gian thích nghi với môi trường mới, điều đơn giản nhưng rất nhiều trường mầm non ở VN không làm được”.

Nguyên Vũ

Nguồn: Gia đình Việt Nam