Dòng sự kiện:

'Tuyệt chiêu' giúp cha mẹ tính chiều cao trong tương lai của con dễ dàng

Theo Thể thao văn hóa
08:00 27/08/2017
Có khá nhiều cách để tính chiều cao của con khi trưởng thành, trong đó có công thức tính theo chiều cao trung bình của bố mẹ.

Các bậc phụ cha mẹ vẫn luôn muốn con cái khi trưởng thành sẽ sở hữu được một chiều cao lý tưởng nhất có thể. Tuy nhiên, ngoài yếu tố quan trọng nhất là gen di truyền thì chiều cao của con cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều các nhân tố khác. Dưới đây là “tuyệt chiêu” siêu đơn giản giúp cha mẹ có thể tính được chiều cao của con khi trưởng thành khá dễ dàng.

Ai cũng đều biết rằng, các nhân tố di truyền là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chiều cao của con khi trưởng thành. Tất cả mọi đứa trẻ khi được sinh ra đời đều thừa hưởng các đặc điểm di truyền từ cả bố và mẹ. Gen di truyền một số đặc điểm như màu mắt thì rất dễ nhận ra so với gen di truyền về chiều cao. Theo báo cáo của nhà sinh vật học phân tử Chao Qiang Lai thuộc Đại học Tufts, yếu tố di truyền quyết định từ 60 - 80% chiều cao tiềm năng của một người khi trưởng thành. Và điều này có nghĩa là bố và mẹ mỗi người đều có ảnh hưởng từ 30 - 40% lên chiều cao của con mình.

'Tuyet chieu' giup cha me tinh chieu cao trong tuong lai cua con de dang

Tuy vậy, chiều cao là một đặc điểm di truyền có tính chất rất phức tạp bởi vì có ít nhất 20 gen tham gia vào quá trình quyết định chiều cao của đứa trẻ. Các nhà di truyền học thuộc Khoa Y học di truyền trường đại học Stanford đã tìm ra gen quyết định chiều cao trên các nhiễm sắc thể số 7, 8, 20 và trên nhiễm sắc thể X - nhiễm sắc thể nữ. Vì có rất nhiều đột biến gây ảnh hưởng tới chiều cao, nên dù người cha cao thì cũng không đảm bảo rằng con của anh ta cũng sẽ cao và ngược lại.

Ngoài ra, theo các nhà khoa học, yếu tố thực phẩm cũng có thể quyết định từ 20 - 40% chiều cao của con người khi trưởng thành. Ví dụ như thế hệ sau của người Nhật ngày càng cao hơn là nhờ chế độ ăn có hàm lượng đạm cao hơn ngày trước. Mặc dù người Nhật đã từng có tố chất di truyền để đạt tới một chiều cao nhất định, nhưng việc có chế độ ăn ít đạm và nhiều chất carbohydrates có thể là nguyên nhân khiến họ không phát triển được hết tiềm năng về chiều cao.

Bệnh tật cũng quyết định khả năng đứa trẻ có phát triển tối đa chiều cao trong tương hay không. Người mẹ trong thời kì mang thai có tâm trạng không tốt hoặc không may mắc bệnh tật gì đấy cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ ngay cả khi đứa trẻ được thừa hưởng gen di truyền chiều cao từ bố. Ví dụ như người mẹ hút thuốc khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng tới chiều cao và cân nặng của thai nhi cũng như tới việc phát triển sau này của trẻ.

'Tuyet chieu' giup cha me tinh chieu cao trong tuong lai cua con de dang

Có một số công thức để ước tính chiều cao của con khi trưởng thành, tuy nhiên phép tính này chỉ mang tính tương đối. Vì con trai có thể cao hơn một chút, còn con gái có thể thấp hơn chiều cao dự đoán. Một trong những “tuyệt chiêu” để tính chiều cao lúc trưởng thành của trẻ nhỏ là cộng chiều cao của bố mẹ với nhau, đơn vị tính theo cm. Theo đó, công thức được tính như sau: Đối với bé trai: Chiều cao của con = [(Chiều cao của bố + Chiều cao của mẹ) + 13 cm] / 2; Đối với bé gái: Chiều cao của con = [(Chiều cao của bố + Chiều cao của mẹ) – 13 cm] / 2. Ví dụ: Chiều cao của bố là: 163 cm - Chiều cao của mẹ là: 160 cm. Như vậy, chiều cao của con trai khi trưởng thành sẽ là: [(163 + 160) + 13] / 2 = 168 cm.

Công thức này được công bố trên tờ New York Times từ những năm 1970, tuy không hoàn toàn chính xác nhưng cũng có thể giúp bố mẹ dự đoán chiều cao của con dựa vào chiều cao của chính mình. Ngoài ra, còn một phương pháp phổ biến khác để ước tính chiều cao của con khi trưởng thành là nhân đôi chiều cao của một bé trai 2 tuổi hoặc chiều cao của bé gái 18 tháng tuổi. Hầu hết trẻ em sẽ đạt được chiều cao này với khoảng cách dao động trong 10 cm.

Nguồn: Gia đình Việt Nam