Dòng sự kiện:

Tuyệt chiêu kéo vợ khỏi cơn nghiện "hàng giảm giá"

23:52 23/07/2016
Vợ em và vợ các bố cũng có rất nhiều lý do để mua sắm, ngoài việc thứ đó cần, thứ đó lạ, đẹp, người khác chưa có… và cuối cùng là vì rẻ. Nhiều chị em bị mê hoặc bởi hàng giảm giá, nên cái lý do cuối cùng này có khi lấn át tất cả, trở thành nguyên nhân chính thúc đẩy các chị mua sắm.

Vợ tôi nghiện hàng giảm giá. Cô ấy dành gần như toàn bộ thời gian, công sức vào việc săn hàng giảm giá từ quần áo, thực phẩm, đến phiếu giảm giá tại các nhà hàng, quán ăn.

Cô ấy còn khiến cả gia đình điêu đứng. Tôi trở thành nạn nhân của các vụ giảm giá nhà hàng, tiệm cà phê vì phải chở vợ đến những địa chỉ theo phiếu cô ấy mua được, lại phải đúng giờ nhà hàng đã thông báo, ăn uống đúng những thứ được giảm theo quy định.

Các con tôi thì phải đăng ký học ngoại ngữ theo chương trình giảm giá, bị mẹ nhờ xếp hàng mua đồ giảm giá. Nói chung là bất kỳ kế hoạch nào vợ tôi đưa ra cho gia đình, dù kỳ lạ đến đâu thì cả nhà cũng hiểu là do một nơi nào đó đang giảm giá, bán phiếu.

Đáng lo hơn là, ngân quỹ gia đình sút giảm hẳn. Cô ấy chi nhiều tiền vào việc mua sắm những thứ không cần thiết, mua với số lượng nhiều rồi về để đó, thấy quảng cáo “rẻ” là mua, không cần biết có thực rẻ hay không và mình có cần hay không.

Tôi đã nói rất nhiều về chuyện này, thậm chí dọa sẽ không đưa tiền cho cô ấy nữa, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Vợ chồng thường xuyên tranh cãi chuyện tiêu pha tiền bạc, cô ấy còn lên án tôi là đàn ông mà keo kiệt, vợ đã tiết kiệm tìm mua đồ giảm giá, còn muốn gì nữa? Tôi thực sự rất khổ tâm…

Sau một thời gian vò đầu bứt tay tìm cách... cứu vợ, tôi đã nghĩ ra một tuyệt chiêu. Em mạnh dạn viết ra đây chỉ với mong muốn nhỏ nhoi, là nó sẽ giúp được các ông chồng có vợ nghiện hàng giảm giá như vợ em.

Thế này các bố ạ, em nghĩ rồi, thích mua sắm là bản năng khó cưỡng của phụ nữ. Vợ em và vợ các bố cũng có rất nhiều lý do để mua sắm, ngoài việc thứ đó cần, thứ đó lạ, đẹp, người khác chưa có… và cuối cùng là vì rẻ. Nhiều chị em bị mê hoặc bởi hàng giảm giá, nên cái lý do cuối cùng này có khi lấn át tất cả, trở thành nguyên nhân chính thúc đẩy các chị mua sắm. 

Đầu tiên, em mời vợ em đi xem phim, mua vé tại chỗ, không giảm giá. Lần khác, em rủ vợ em đi cafe, đi ăn ở những nhà hàng sang trọng, cảnh đẹp, được phục vụ đến tận răng. Ban đầu, vợ em còn cằn nhằn nhưng sau thì thấy cô ấy vui ra mặt. Thấy vợ vui thế, em mua tặng vợ vài cái đầm, túi, vòng đắt giá mà em biết cô ấy thích nhưng không dám mua. Khi cô ấy dùng những đồ đó, cô ấy tươi vui hẳn lên vì ai cũng khen. Cô ấy sẽ hiểu, có vài thứ không nên mua giảm giá, nói đúng hơn là không nên bị giảm giá.

Bên cạnh đó, em khi vợ em khoe về việc mua được món này, món kia rẻ, em kể cho cô ấy  chuyện về chất lượng, về giá trị sử dụng của món đồ, như một cách cân bằng, từ từ thay đổi suy nghĩ của cô ấy, không phải cứ cái nào rẻ là mua

Nói chung, từ đó vợ em nhận ra rằng những món đồ đẹp thì không bao giờ giảm giá đâu, còn những đồ giảm giá thì thật là... rẻ rách.

Nhưng bây giờ, em lại đang đau đầu vì vợ em chuyển sang nghiện đồ hàng hiệu. Cô ấy thích những chiếc túi vài nghìn USD, chiếc chiếc đầm cả trăm triệu... Vợ em dùng những thứ đó thì đẹp thật nhưng em lại khổ vì kiếm tiền để vợ đạt được sở thích này.

Đúng là không cái khổ nào giống cái khổ nào!

LÂM LINH/Theo Gia đình Việt Nam