Dòng sự kiện:

Tuyệt chiêu xử lý trẻ ăn vạ hiệu quả

14:18 23/01/2016
Trẻ ăn vạ sẽ không còn là nỗi khốn khổ của bố mẹ nếu bạn áp dụng những mẹo nhỏ dưới đây.

Ăn vạ là hành động thường xảy ra ở trẻ từ 1-3 tuổi. Bố mẹ hãy cùng xem xét cụ thể hành vi của trẻ để có cách xử lý phù hợp.

Nguyên nhân khiến trẻ dễ nóng nảy

Nhiều khi trẻ ăn vạ bố mẹ không vì lý do gì cụ thể mà chỉ để thử sức mạnh của mình hoặc kiểm tra phản ứng của người khác. Ví dụ như khi đánh bạn hay hét lên, trẻ sẽ đứng nhìn xem bạn phản ứng thế nào và nếu bạn cáu gắt thì bé sẽ càng làm như vậy lần sau vì bé nghĩ đó là cách thu hút sự chú ý.


Mẹ hãy giải thích cho bé hiểu hậu quả từ hành động của mình với người khác  (Ảnh minh họa)

Đối với trẻ từ 1-2 tuổi, mỗi ngày bé đều được tiếp xúc, học hỏi thêm nhiều thứ mới từ thế giới bên ngoài, thế nên việc vung tay đánh ai đấy đôi khi là để bé giải tỏa cảm giác mệt mỏi khi có quá nhiều thứ cần phải học. Một đứa trẻ 4-5 tuổi thì khi có bất kì vấn đề gì, trẻ có thể thể hiện bằng ngôn ngữ, nhưng với bé mới 2 tuổi thì cách thể hiện bằng hành động là hiệu quả nhất khi bé chưa thể nói được rõ ràng.

Chìa khóa để xử lý vấn đề

Bố mẹ hãy dành nhiều thời gian quan sát bé như điều gì hay kích thích bé hành động mạnh, bé có hay đập, tát hay đấm khi mệt mỏi, không hài lòng chuyện gì không. Nếu có bố mẹ cần tìm cách phòng ngừa hoặc giải quyết những nguyên nhân chính đó. Bên cạnh đó, bé cũng cần được đảm bảo về mặt sức khỏe và giấc ngủ, bé cần ngủ đủ giấc, ăn uống và hoạt động hợp lý.

Khi chuyện này xảy ra bố mẹ cần bình tĩnh để xử lý, không phản ứng thái quá lại làm cho tình huống xấu đi. Những ông bố bà mẹ phản ứng lại bằng cách hét hay đánh con sẽ gây ra kết quả ngược với mong đợi vì hành động như thế sẽ khiến bé nghĩ rằng bạo lực là một giải pháp thích hợp để giải quyết mâu thuẫn và thu hút sự chú ý.

5 bước để kiểm soát hành động

1. Bình tĩnh. Bạn cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề này, có như thế con bạn mới nghe lời và làm theo lời bạn vì con luôn nghĩ ba mẹ là tấm gương cho mình học tập.

2. Thể hiện sự thấu hiểu qua giọng nói. Bé cần được dạy về sự đồng cảm với người khác và hiểu được hậu quả của hành động làm đau người khác. Mẹ có thể giải thích với bé về việc người bị đánh đau như thế nào, điều này dần dần sẽ làm bé thấu hiểu hơn về việc làm của mình.

3. Hướng dẫn bé xin lỗi trước. sẽ là vô ích nếu bố mẹ cứ bắt bé xin lỗi, thay vào đó mẹ hãy đưa ra lời xin lỗi làm gương cho trẻ làm theo như “Mình xin lỗi vì đã làm bạn đau"

4. Đưa ra sự lựa chọn an toàn khác. Sử dụng chính ngôn từ của mình, mà không phải dùng đến tay chân là một lời khuyên tốt dành cho bé, chẳng hạn như “Lần sau khi bạn không chia sẻ đồ chơi với con thì con cũng không được đánh bạn, mà nên nói là bạn có thể cho mình chơi cùng không?”

5. Thúc đẩy bé nỗ lực cố gắng. Giống như bất kì bài học nào trong cuộc sống, sự rèn luyện và thực hành nhiều là chìa khóa thành công. Mỗi lần nhìn thấy việc tốt xảy ra, bạn hãy khuyến khích bé bằng lời nói như “Con giỏi quá” hay “Con thử xin bạn lần nữa xem” nhằm hình thành và phát triển tinh thần thân thiện, hòa đồng của bé.

Đối với trẻ nhỏ để học được việc không nên ăn vạ khi gặp vấn đề gì đấy thường mất nhiều thời gian và trải nghiệm. Do đó hãy nuôi dưỡng cho bé tính cách kiên nhẫn và cảm thông với người khác từ khi còn nhỏ thông qua các bài giảng, các buổi nói chuyện nhẹ nhàng giữa mẹ và con.

Theo Khám phá

>> MỜI ĐỘC GIẢ XEM VIDEO ĐANG HOT: 

[mecloud]qyfe2HakBK[/mecloud]