Dòng sự kiện:

Vay ngân hàng mua xe hơi chạy uber, lợi không?

Theo PNVN
09:06 06/05/2017
Với việc giá xe ô tô đang trên đà giảm khá mạnh thời gian gần đây, nhiều người đã đi “nước cờ” táo bạo: Vay vốn ngân hàng để mua xe nhằm mục đích kinh doanh (chạy Uber, Grab hoặc cho các doanh nghiệp khác thuê theo hợp đồng…).

Chị Kim Thư, ngụ tại quận 2, TPHCM, vừa mua 1 chiếc xe 5 chỗ hiệu Nissan Sunny với giá 600 triệu đồng. So với năm ngoái, chiếc xe này đã giảm giá khoảng 40 triệu đồng. Chị cho biết, chiếc xe này dự kiến sẽ cho người khác thuê lại để chạy Uber với giá khoán 10 triệu đồng/tháng, phía chị chịu chi phí bảo dưỡng, bảo trì, thay thế phụ tùng khi hỏng hóc. Chị nhẩm tính, trung bình mỗi năm thu về 120 triệu đồng, gia đình lại vừa có xe để đi những lúc cần thiết, tính ra rẻ và tiện hơn so với phải đi thuê xe.

Vay tiền ngân hàng mua xe giá rẻ để kinh doanh theo hình thức cho thuê chạy dịch vụ không hẳn là lựa chọn tốt. Ảnh minh họa

Tuy nhiên chị Thái An, một hàng xóm của chị Thư, đã có xe cho thuê chạy Uber được hơn 1 năm nay, lại chia sẻ về một thực tế khác: Chị sở hữu một chiếc Honda City mua cuối năm 2015 với giá 650 triệu đồng, mặc dù sau 1 năm đã thu về 120 triệu đồng từ việc chạy dịch vụ, song chị phải chi ra gần 20 triệu đồng để bảo trì, bảo dưỡng. Nếu thời gian tới cần thay thế phụ tùng thì chi phí sẽ còn cao hơn nhiều.

Như vậy là khoản tiền 120 triệu không còn nguyên vẹn. Nhưng đáng nói hơn là mới chỉ 1 năm mà chiếc xe đã chạy tới gần 60.000 km, nhiều chi tiết đã bắt đầu xuống cấp. “Theo đà này, nếu cứ để chạy dịch vụ đến 2-3 năm nữa thì chiếc xe đã tã nát, lúc ấy có bán lại thì lỗ đến phân nửa là cái chắc. Nếu tính toán một cách kỹ lưỡng thì việc mua xe về cho thuê chạy dịch vụ là không hiệu quả”, chị An khẳng định.

Đó là chưa nói đến chuyện cả chị Thư và chị An đều phải vay tiền ngân hàng (70% giá trị xe) để mua xe, hàng tháng phải trả lãi khoảng 7-8 triệu đồng, thì phần “lợi nhuận ròng” càng ít ỏi hơn.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, chị Lê Chi, cũng ngụ tại quận 2, TPHCM, đang làm việc cho một công ty Hàn Quốc, lại mua một chiếc Toyota Fortuner giá hơn 1 tỉ đồng để cho chính công ty nơi chị đang làm thuê chở giám đốc với giá 20 triệu đồng/tháng (phía cho thuê chịu chi phí xăng, bảo dưỡng, bảo trì, thay thế phụ tùng…).

Sau 2 năm, chiếc xe vẫn còn rất mới vì mới chỉ chạy chưa đầy 40.000 km. Vì là xe chở giám đốc nên tài xế chạy rất cẩn thận, giữ gìn kỹ. So với việc cho thuê xe chạy Uber thì rõ ràng việc mua xe cho công ty thuê lại an toàn và hiệu quả hơn.

“Thật ra, nếu trong nhà có người rảnh rỗi, trực tiếp chạy Uber thì cũng rất hiệu quả, vì ngoài chi phí xăng dầu và bảo trì, bảo dưỡng, toàn bộ thu nhập từ chiếc xe đều thuộc về người sở hữu xe. Với mức trung bình như hiện nay, một chiếc xe chạy Uber ở TPHCM có thể mang lại thu nhập khoảng 25-30 triệu đồng/tháng.

Ảnh minh họa

Hơn nữa, vì là “xe nhà” nên người sử dụng cũng bảo quản kỹ lưỡng, không giống như xe cho thuê. Với mức thu nhập này, sau hơn 3 năm là chủ xe có thể thu hồi vốn và trả dứt nợ, trong khi chiếc xe vẫn còn giá trị không dưới 70% so với xe mới, có bán lại thì vẫn được giá. Còn để có xe cho doanh nghiệp thuê chở cán bộ, nhân viên thì đòi hỏi phải có mối quan hệ thân tình, chứ không phải ai cũng làm được, mặc dù đó là cách có lợi nhất”, chị Chi cho biết.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, đó là không ít người ham mua xe giá rẻ (như Kia Morning hay Hyundai i10…) để cho thuê chạy Uber, nghĩ rằng sẽ sớm thu hồi vốn. Thực tế, giá thuê những loại xe này chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng và không loại trừ nguy cơ người thuê trả xe sau một thời gian sử dụng khi cần “nâng cấp” phương tiện.

Vì vậy, vay tiền ngân hàng mua xe giá rẻ để kinh doanh theo hình thức cho thuê chạy dịch vụ không hẳn là lựa chọn tốt. Nếu gia đình có người có điều kiện trực tiếp chạy xe dịch vụ thì mới nên vay tiền để mua, song vẫn cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Nguồn: Gia đình Việt Nam