Dòng sự kiện:

Vì sao cha mẹ Việt thường 'ngại' dạy con về tiền bạc?

Theo PNO
07:06 10/01/2019
Không ham tiền có phải là một khiếm khuyết? Tôi cho rằng trong sâu thẳm mỗi con người thời hiện đại, câu trả lời là có, nhưng đại đa số chúng ta lại ngần ngại không muốn dạy con cái mình như thế.

Phải chăng vì quan điểm này đi ngược lại với truyền thống ở cả phương Ðông và phương Tây và có vẻ thực dụng?

Nhưng tôi nghĩ, chúng ta lúng túng bởi vì quả thật để có một quan điểm rõ ràng về giá trị của tiền bạc, chưa nói đến đúng sai cũng không hề dễ. Nó thực sự phức tạp hơn ta tưởng.

Khái niệm tiền bạc được nói tới ở đây gần với khái niệm của cải (tiền và các đồ vật, tài sản, nhà, xe…) nói chung hơn là tiền tệ (giống như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng...), mà của cải thì liên quan mật thiết đến sự sở hữu.

Sở hữu, trước hết, thể hiện quan hệ giữa các cá thể trong xã hội, kiểu như cái gì thuộc sở hữu của tôi thì tôi toàn quyền định đoạt nó, người khác không được “xía” vào. Nhưng mặt khác, sở hữu còn có khía cạnh tâm lý, đó là sự mở rộng và thể hiện của “cái tôi”, kiểu như bộ quần áo này làm tôi đẹp hơn, dù chỉ với bản thân tôi hay trong mắt người khác.

Chuyện dông dài như thế, tôi chỉ muốn nói lên một điều, quan niệm về giá trị của cải liên quan đến mỗi cá thể, bạn không thể chắc được những thứ bạn đánh giá cao thì con cái bạn cũng sẽ đánh giá cao. Ngoài cá tính, quan điểm về của cải còn phụ thuộc vào điều kiện xã hội và tuổi tác. Ở thời bao cấp, khi của ăn còn khó, nói gì đến của để thì vấn đề sở hữu thậm chí còn chưa được đặt ra.

Trong một xã hội nhiều bất an, hoặc chưa có một hệ thống an sinh xã hội phát triển, tích lũy của cải cũng được đánh giá cao hơn theo nghĩa của để dành. Về tuổi tác, con người càng có tuổi thường càng có xu hướng thích những giá trị lâu bền, ngược lại với thanh niên - là những người ít có nhu cầu đòi hỏi sự đáng tin của cảm xúc, lại ưa thay đổi nhanh chóng, theo mốt.

Như thế, dù bạn đã chắc chắn về quan điểm của mình về tiền bạc, bạn cũng không nên áp đặt cho bọn trẻ, thay vào đó, hãy chỉ cho chúng những manh mối để chúng tự suy nghĩ và trả lời.

Con gái tôi làm việc cho một công ty tư nhân. Công ty cháu mới ban hành quy chế lao động, theo đó, thời gian làm việc hằng ngày từ 9g đến 18g (nghỉ một tiếng buổi trưa). Tuy nhiên, tiền làm ngoài giờ chỉ được tính từ 21g. “Quá vô lý!”, con gái tôi ấm ức nói. Tôi trả lời cháu rằng quan trọng nhất là tự do thỏa thuận, các con có thể đồng ý hoặc không. Nói thế, nhưng tôi vẫn giải thích thêm cho cháu về cái gọi là lựa chọn dưới áp lực.

Trong bối cảnh còn hàng trăm ngàn cử nhân mới ra trường đang thất nghiệp, đa số cũng không có được sự hỗ trợ từ phía gia đình (chủ yếu gia đình họ ở nông thôn và phần lớn đã kiệt sức sau khi lo cho con cái theo hết đại học), họ không có lựa chọn nào khác ngoài sự chấp thuận, dù những điều khoản kia ai cũng thấy là vô lý. Lựa chọn dưới áp lực thì không có tự do.

Xác định rằng mình sẽ không can thiệp vào quan điểm cá nhân của cháu về giá trị của cải, tôi khuyên con gái tôi học cách tích lũy tài chính, với mức tối thiểu để đảm bảo cho cuộc sống cá nhân của cháu ít nhất trong nửa năm chẳng hạn. Nửa năm là quãng thời gian tối đa, do tôi chủ quan ước tính để con gái tôi tìm được một công việc mới, nếu cháu quyết định bỏ việc vì cái quy chế vô lý kia. Nguyên tắc chung là thế, phần còn lại là việc của cháu. Cháu tự quyết định các giá trị vô hình và hữu hình của mình.

Song trước khi chấm dứt câu chuyện tiền bạc với con, tôi cũng nói với cháu một câu rằng: “Bố mẹ đều nghĩ ở đời cái gì cũng có giá, vấn đề là giá bao nhiêu. Và ở đời cũng có những thứ mà giá của nó không đếm nổi, vì so với cái đếm được vẫn còn rẻ quá con ạ”.

Nguồn: Gia đình Việt Nam