Dòng sự kiện:

Vì sao việc xử lý xâm hại tình dục trẻ em chậm trễ?

Kim Anh/VOV
08:22 15/03/2017
Những "nút thắt" trong tiến trình tố tụng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ xâm hại tình dục trẻ em chậm được xử lý.

Vướng nhiều “nút thắt”

Trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện ở nhiều địa phương nhưng chưa được xử lý gây nên bức xúc lớn trong dư luận xã hội.

Theo một số luật sư cho rằng, tội dâm ô trẻ em đang được xử lý rất chậm bởi hiện nay còn vướng nhiều “nút thắt”.

Trên thực tế, tội dâm ô trẻ em, khi đã có nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, nhận diện đối tượng thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, các vụ việc xâm hại tình dục không chờ đợi vào sự tố cáo của nạn nhân hay gia đình nạn nhân mà chỉ cần có người phát hiện ra là có thể điều tra được.

Tuy nhiên, trong các vụ dâm ô hiện nay, các cơ quan điều tra luôn đòi hỏi dấu vết vật chất để lại trên thân thể bị hại thì mới tiến hành khởi tố bị can. Đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm khó để lại dấu vết.

Đó cũng là lý do khiến những nạn nhân của dâm ô trẻ em không thể kêu cứu và không được giải quyết bằng pháp luật, trong khi đó loại tội phạm này chậm bị xử lý.

Ở một góc nhìn khác, luật sư Đặng Thị Nhung (Công ty Luật TNHH Nguyễn Đỗ và Cộng sự) cho rằng, trên thực tế có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Có nhiều trường hợp gia đình biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên vô hình chung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết.

Có trường hợp các cháu còn rất nhỏ tuổi, không ý thức và hiểu được những hành vi đó có phải là tội phạm hay không nên có khi sẽ không nói lại cho người lớn biết là mình đã bị hại; hoặc khi sự việc đã bị phát hiện thì chính các cháu cũng không biết hoặc không nhớ được chính xác những hành vi đã gây ra cho mình; hoặc một số cháu có thể sẽ cảm thấy xấu hổ mà không dám nói…  

Gia đình làm gì khi biết trẻ bị xâm hại tình dục?

Tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình của nhiều người cũng đã ảnh hưởng đến quá trình xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Bà Khuất Thu Hồng (Viện nghiên cứu Phát triển xã hội) lo ngại số nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục hàng năm có thể còn cao hơn những số liệu đã công bố, bởi người Việt Nam vẫn còn tâm lý e dè khi nói về vấn đề tình dục, liên quan đến hiếp dâm, dâm ô trẻ em lại càng ít được nói đến.

Vì vậy, khi có nạn nhân lên tiếng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc giải quyết. Đừng để xảy ra tình trạng vụ việc không được xử lý, khiến gia đình nạn nhân vì mặc cảm, sợ bị kỳ thị mà phải chuyển đến nơi khác sinh sống thì khi đó, việc tố cáo kẻ phạm tội sẽ càng khó khăn hơn.

Bà Khuất Thu Hồng

Cũng như nhiều người khác khi nghe thông tin vụ việc trẻ em gái bị xâm hại tình dục, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Thanh – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cảm thấy rất đau lòng bởi các nạn nhân còn quá nhỏ, chưa có đủ nhận thức, hiểu biết, khả năng phòng vệ cũng như chưa được bảo vệ một cách toàn diện.

Đối với những gia đình có con em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, luật sư Truyền khuyên các bậc phụ huynh cần liên hệ ngay tới Hội bảo vệ quyền trẻ em tại địa phương, Hội liên hiệp Phụ nữ… sau khi sự việc xảy ra để báo cáo và xin hướng tư vấn giải quyết.

Khi xác định có hành vi vi phạm, gia đình nên hoàn thiện ngay hồ sơ chứng cứ, tài liệu để giao nộp cho cơ quan chức năng. Sau đó phụ huynh cần liên tiếp giám sát, thúc đẩy quá trình, không để sự việc chìm xuồng.

“Cách tốt nhất là nhờ các chuyên gia tư vấn, luật sư để họ hỗ trợ, thậm chí viết đơn thể nguyện kêu cứu tới lãnh đạo cấp cao. Nếu ngay từ giây phút đầu tiên sau khi sự việc xảy ra, chúng ta vào cuộc một cách quyết liệt, đúng luật, đầy đủ thì tôi tin các cơ quan, cán bộ không thể làm ngơ để sự việc chậm bị xử lý”, luật sư Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh.