Dòng sự kiện:

Việt Nam đứng thứ 80/184 về tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong

Theo PNVN
10:51 22/02/2018
Trên thế giới mỗi ngày có gần 7.000 trẻ sơ sinh tử vong trong đó tập trung ở các nước có thu nhập thấp. Việt Nam đứng thứ 80 trong số 184 quốc gia về tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong.

Cần bảo vệ trẻ em những thời điểm đầu đời

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ở những nước thu nhập thấp, tỷ lê tử vong trẻ sơ sinh trung bình là 27 trẻ trên 1.000 ca sinh. Ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này là 3 trẻ trên 1.000 ca sinh. Trẻ sơ sinh ở các nước có nguy cơ cao nhất có nguy cơ bị tử vong cao hơn gấp 50 lần trẻ em sinh ra ở những nơi an toàn nhất. Trên thế giới hiện có hơn 2,6 triệu trẻ sơ sinh tử vong trước 1 tháng tuổi, trong đó hơn 50% tử vong ngay khi vừa chào đời. Ngoài ra, có tới hơn 2,6 triệu trẻ em khác không có cơ hội được ra đời.

8 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao nhất đều nằm ở khu vực Nam sa mạc Sahara, nơi mà phụ nữ có thai ít có cơ hội được trợ giúp khi sinh nở do nghèo đói, chiến tranh và hệ thống y tế yếu kém. Pakistan là nước có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao nhất thế giới (tỷ lệ 1/22). Tiếp đến là Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan, Somalia, Lesotho, Guinea-Bissau, Nam Sudan, Bờ Biển Ngà, Mali và Chad.

Bà Henrietta H. Fore - Giám đốc điều hành UNICEF

Bà Henrietta H. Fore - Giám đốc điều hành UNICEF phát biểu: “Chúng ta đã giảm hơn một nửa số trẻ dưới năm tuổi bị tử vong trong 1/4 thế kỷ qua; tuy nhiên, chúng ta đã không đạt được những tiến bộ như vậy trong việc giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tháng tuổi”. Bà Henrietta cho biết phần lớn trẻ sơ sinh tử vong là những em sinh ra trong gia đình nghèo khó. Những trẻ em sinh ra trong các gia đình nghèo nhất có nguy cơ tử vong cao hơn 40% so với những trẻ sinh trong nhóm các gia đình giàu nhất. Trong số gần 7.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày, có hơn 80% trường hợp có thể ngăn chặn chỉ với các "biện pháp cơ bản" như hệ thống chăm sóc y tế hợp túi tiền và đội ngũ y bác sĩ được đào tạo tốt.

Ngăn ngừa tử vong ở trẻ sơ sinh

Bà Henrietta cũng cho biết có sự cải thiện ở các nước như Bangladesh với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm gần 70%, từ 241.000 trẻ trong năm 1990 xuống còn 62.000 trẻ trong năm 2017. Bangladesh vừa phát động chiến dịch chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh trên phạm vi toàn quốc nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở đối tượng này. Theo đó, chính phủ cung cấp các thiết bị chăm sóc trẻ em đặc biệt tại các bệnh viện công ở 54 khu vực trên cả nước cùng với các hỗ trợ cần thiết cho 20 vùng khác.

Bà Henrietta nhấn mạnh rằng nếu tất cả các nước có thể giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống bằng tỷ lệ của các quốc gia thu nhập cao vào năm 2030 thì 16 triệu sinh mạng sẽ được cứu sống. Hơn 80% tử vong trẻ sơ sinh do trẻ bị sinh non, các biến chứng khi sinh hoặc các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi, nhiễm trùng. Các trường hợp tử vong này có thể ngăn ngừa được nếu được các bà mẹ được trợ giúp bởi các bà đỡ qua đào tạo, các biện pháp ngăn ngừa khác được thực hiện như có nước sạch, vệ sinh tẩy uế, nuôi con bằng sữa mẹ trong những giờ đầu tiên, tiếp xúc da trực tiếp và dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, thiếu các cán bộ y tế và bà đỡ được đào tạo đồng nghĩa với việc hàng nghìn trẻ sinh ra không được hưởng các trợ giúp cần thiết để có thể sống được. Ví dụ, ở Na Uy có 218 bác sĩ, y tá và bà đỡ cho 10,000 người thì tỉ lệ này là 1 trên 10,000 người ở Somalia.

7.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày

Nhật Bản hiện là quốc gia có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong thấp nhất trên thế giới, tiếp đến là Iceland và Singapore. Cụ thể, trong năm 2016, tại "đất nước Mặt trời mọc" cứ 1.111 ca sinh nở thì mới có 1 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong, trong khi tỷ lệ này ở Iceland và Singapore lần lượt là 1/1.000 và 1/909. Việt Nam đứng thứ 80/184 quốc gia về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Bảo vệ để mẹ khỏe, con khỏe

Trong tháng 2 này, UNICEF đã phát động chiến dịch “Tất cả trẻ em được sống” (Every Child Alive). Đây là một chiến dịch toàn cầu nhằm thay mặt cho trẻ sơ sinh trên toàn thế giới đưa ra yêu cầu và cung cấp các giải pháp. Thông qua chiến dịch này, UNCIEF kêu gọi các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ y tế, các nhà tài trợ, khối tư nhân, các doanh nghiệp, gia đình hãy hành động để các trẻ em sinh ra được sống:

- Tuyển dụng, đào tạo, duy trì và quản lỷ một số lượng phù hợp các bác sỹ, y tá và nữ hộ sinh có chuyên môn về chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.

- Đảm bảo các cơ sở y tế vệ sinh sạch sẽ, hoạt động tốt, có nước sạch, xà phòng và điện, mà mọi bà mẹ và trẻ em có thể tiếp cận được.

- Ưu tiên cung cấp cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh các thuốc thiết yếu và các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo sự khởi đầu khỏe mạnh;

- Tăng cường khả năng của nữ vị thành niên, các bà mẹ và trẻ em trong việc đưa ra yêu cầu và tiếp nhận các dịch vụ có chất lượng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam