Dòng sự kiện:

Vụ 4 trẻ tử vong ở BV Sản Nhi Bắc Ninh: Cấy vi khuẩn để xác định tác nhân gây nhiễm trùng

Theo Gia đình & xã hội
19:47 22/11/2017
Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã cấy vi khuẩn ở nơi bệnh nhi nằm, bàn tay nhân viên chăm sóc, nhằm xác định tác nhân gây nhiễm trùng.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cấp Sở Y tế Bắc Ninh liên quan vụ việc 4 trẻ sinh non tử vong ở Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, ngay hôm xảy ra sự cố (20/11), các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra soát lại toàn bộ môi trường từ lúc bé sinh ra ở phòng đẻ đến khi nằm phòng điều trị. Kết quả xét nghiệm sẽ được công bố sau.

"Liên đến quy trình chống nhiễm khuẩn của y, bác sỹ ở đây, chúng tôi đã cho cấy bàn tay của những nhân viên chăm sóc bệnh nhi và bề mặt khu vực các em bé nằm để tìm tác nhân gây nhiễm trùng và tình trạng nhiễm khuẩn"- TS Điển nói.

Chăm sóc trẻ tại đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

Theo ông Lê Văn Nam, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, thông thường thì sớm nhất 3 ngày sau khi cấy vi khuẩn mới có kết quả.

Ông Nam cũng chia sẻ, sau sự cố, ngày nào viện cũng cho cấy vi khuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn máy thở, lồng ấp, sàn nhà, bởi khi nguy cơ nhiễm khuẩn được xác định thì việc đảm bảo môi trường vô trùng phải đặt lên hàng đầu.

Về nguồn nhiễm khuẩn trong bệnh viện, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, vi khuẩn có mặt ở mọi nơi, từ đất, nước, không khí, bề mặt, cơ thể... Đối với người khỏe mạnh, có thể khống chế được các vi khuẩn, nhưng cơ thể có miễn dịch không ổn định trên nền bệnh nặng sẽ phải hỗ trợ bằng kháng sinh. Hiện nay, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện tại nhiều bệnh viện càng làm cho việc điều trị thêm khó khăn.

"Bốn em bé này đều trong tình trạng đẻ non có nhiều thủ thuật đi kèm như việc tiêm truyền làm phá vỡ hàng rào mạch máu. Việc thở máy đưa không khí vào lồng ngực, mà các em lại non yếu về miễn dịch thì nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể xảy ra” - TS Điển nói.

TS Điển nhấn mạnh việc nâng cao ý thức của cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân trong vệ sinh bàn tay là quan trọng hàng đầu. Bàn tay của nhân viên y tế cần đảm bảo sạch nhất, vì thế các bệnh viện giám sát chặt chế độ rửa tay xà phòng dưới vòi nước và rửa tay sát trùng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo để phòng nhiễm khuẩn bệnh viện, cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường, khoa, phòng bệnh... và đặc biệt là vệ sinh tay.

TS Trần Minh Điển

Trẻ chào đời dưới 37 tuần thai được xem là sinh non. Trẻ sinh non thường gặp các dị tật nhiễm sắc thể, thiếu ôxy hay viêm ruột và đều có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn trẻ bình thường.

Theo một báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam mỗi năm có tới 150 nghìn trẻ sinh non, nhẹ cân chào đời. Tỷ lệ tử vong do trẻ sinh non, nhẹ cân là nguyên nhân hàng đầu, chiếm tới 25% số tử vong sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ sinh non như: Do tử cung người mẹ bé, u xơ tử cung, viêm nhiễm trong quá trình mang thai, vấn đề tâm lý...

Chiều tối 21/11, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết nguyên nhân khiến 4 trẻ sinh non tử vong tại viện Sản Nhi Bắc Ninh liên quan đến nhiễm khuẩn. PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, tỷ lệ tử vong trong sốc nhiễm khuẩn có nhiễm khuẩn huyết trên thế giới rất cao, từ 40 - 60%, nếu ở các nước đang phát triển tỷ lệ này lên đến 80%. Bệnh viện Nhi Trung ương trong những năm qua đã rất nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong sốc nhiễm khuẩn sơ sinh từ 75% (năm 2010) xuống còn khoảng 50% (hiện nay).

Nguồn: Gia đình Việt Nam