Dòng sự kiện:

Vụ BV trao nhầm con ở Hà Nội : Nước mắt hai người mẹ

Theo Phununews
19:03 15/07/2018
Lần đầu tiên được ôm đứa con dứt ruột đẻ ra, ôm con ngủ, ngắm nhìn con khiến cả hai người mẹ đều không cầm được nước mắt.

Kể từ khi biết sự thật, hai gia đình bị trao nhầm con thường xuyên cho các con qua lại để làm quen với bố mẹ, anh em ruột, xây dựng tình cảm. 

Chị Hiền cho biết sắp vào lớp 1, H. đã biết làm Toán và thuộc bảng chữ cái. Cậu bé hiện cao hơn 1,3 m và nặng 23 kg.

Trong câu chuyện với con trai, thi thoảng chị nhầm tên H. và M. Người phụ nữ có dáng cao, gầy không kìm được xúc động nhớ lại hôm đầu tiên được ngủ cùng con ruột khi cậu bé được đưa về nhà chơi. Chị đợi con ngủ say để ngắm nhìn, ôm con vào lòng và thỏa sức khóc bởi sau 6 năm, người mẹ ấy mới được gần gũi đứa con dứt ruột đẻ ra đến thế.

M. thích ăn kem, sườn chua ngọt, xúc xích và chơi lego, thế nên trước hôm con về, chị đã chuẩn bị mọi thứ tươm tất. Chị Hiền tâm sự M. có nhiều nét giống ông nội và bố Sơn. Cậu bé hiện nặng 30 cân và thấp hơn H.

"Vợ chồng tôi từng cân nhắc rất lâu trước khi quyết định nói sự thật với bé H. và chuẩn bị tâm lý cho con. Tôi và chồng không muốn giấu con, dù biết bé sẽ buồn. Chúng tôi giúp con tiếp nhận dần dần, mỗi ngày một chút, tránh dồn dập ảnh hưởng đến tâm lý", chị Hiền chia sẻ.

Chị Hiền và cháu H.

Ông Phùng Văn Phượng, ông nội của cháu Phùng Thanh H. (một trong 2 cháu bé bị trao nhầm 6 năm trước ở Ba Vì, Hà Nội) cho biết, ông không phân biệt cháu nuôi hay cháu đẻ và sau này, khi sự việc được giải quyết, ông vẫn xem M. và H. là hai cháu nội của mình. Trong mắt ông Phượng, H. vốn là một cậu bé nhanh nhẹn, tháo vát nhưng từ khi biết chuyện, bé trở nên trầm tính, ăn ít và hay xuống nhà ông bà để trốn. Nhiều hôm đã 21h, H. xuống ôm ông nội ngang người khóc bảo "ông đừng bỏ con"..

"Cháu ngoan lắm. Cả nhà cứ gọi H. là thằng nịnh hót vì hễ đi học về là thơm ông rồi nói 'con chào ông'. Tôi ở cạnh nó từ bé, giờ lại đưa đón đi học nên ông cháu gần gũi", ông Phượng nói.

Trên VOV, ông Phượng chia sẻ thêm, từ khi biết chuyện, 2 bên gia đình cũng gặp nhau khoảng 10 lần, cho bọn trẻ gặp nhau, ổn định tâm lý và tư tưởng cho các cháu. “Hôm đầu tiên gặp bên nhà chị Hương, cả gia đình tôi lên, cũng mua cho cháu M. ít đồ chơi, đưa cho cháu H. cầm lên. Lên đến nơi, thằng cu H. ôm chầm lấy em nó và đưa đồ chơi cho em nó chơi, còn thằng cu M. tự nhiên ở trong buồng chạy ra ôm chầm lấy ông nội, ông ngoại, bố Sơn, mẹ Hiền. Thế là cứ 10 người khóc cả 10”- ông Phượng nói.

Từ lúc phát hiện nhầm lẫn (hồi cuối tháng 3) tới nay, hai gia đình đã có khoảng chục cuộc gặp gỡ. Hai bé thân thiết và được bố mẹ đưa đi siêu thị, tắm biển. M. cũng xuống nhà bố mẹ ruột chơi, ngủ lại vài lần, và H. thỉnh thoảng được đưa lên Hà Nội với mẹ Hương. Cả hai gọi bố, mẹ và ông bà nội, ngoại.

Về phía chị Hương, sau khi gia đình nhà anh Sơn lên trình bày sự việc, chị cũng đưa con về nhà vào tuần sau đó và được đón xuống nhà ông Phượng chơi.

Theo Tri thức trẻ, sức khỏe của cháu M. không được tốt, từ khi còn trong tháng, bé đã bị vấn đề đường hô hấp. Khi hơn ba tháng, cậu bé bị một cơn ốm khiến chị Hương như chết đi sống lại.

"Trong đêm bé bị viêm phổi, tím tái, chạy từ một phòng khám tư, sang Bệnh viện Sơn Tây, rồi xuống Bệnh viện Nhi. Gần cả tháng trời đi viện, một mẹ, một con đồng hành với nhau", chị nhớ lại.

Từ khi biết kết quả, chị vẫn tìm mọi cách để làm công tác tư tưởng cho con. "Hàng đêm nằm nói chuyện, tôi thủ thỉ vào tai con và nói: M. là con đẻ của bố Sơn, mẹ Hiền. Rồi mỗi buổi tối, tôi thường dạy cháu đánh vần tên bố mẹ ruột. Ngày đầu tiên khi tôi nói chuyện này, M. phản ứng gay gắt, nhưng rồi "mưa dầm, thấm lâu", M. bắt đầu hỏi tôi vì sao lại thế? Khi con đặt ra những câu hỏi này, tôi biết rằng con đã phần nào hiểu chuyện.

Chị Hương và cháu M.

“Có hôm cháu M. nói: Mẹ ơi, con nghĩ ra một cách rồi, mẹ làm cho con một hình rô bốt, sau đó mẹ nhét bông vào, mẹ chụp ảnh con rồi dán vào mặt hình rô bốt ấy. Mẹ làm cho con cái điều khiển để con điều khiển hình rô bốt ấy về nhà chú Sơn, cô Hiền. Còn con thì vẫn được ở đây với mẹ. Tôi vẫn khuyên và nói với cháu là con về đó cuộc sống của con sẽ sướng hơn ở với mẹ. Cháu nói, con thích ở với mẹ hơn” - chị Hương kể.

Nhìn đứa con, nghĩ lại những mất mát, đau đớn mà chị phải gánh chịu từ khi nuôi dưỡng cháu M., người mẹ này khẳng định, mình vẫn còn được một điều rất lớn đó là "có cùng lúc hai đứa con".

Theo Vietnamnet, để cho 2 con được gần nhau hơn và có nhiều thời gian để làm quen với gia đình mới, chị Hương cho biết sắp tới sẽ sắp xếp nghỉ dạy mầm non tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) để về hẳn quê.

Chị sẽ đưa cậu bé Đoàn Nhật M. về ở bên ngoại (xã Phú Sơn, Ba Vì), cách gia đình anh Sơn khoảng 10km để cho cháu M. làm quen dần với gia đình bên đó, tránh để cháu bị sốc, ảnh hưởng tâm lý.

Được biết, chị Hương cũng đã đưa các giấy tờ để gia đình anh Phùng Giang Sơn làm thủ tục nhập học cho M.

“Dù M. không phải ruột già, máu mủ của tôi, nhưng tôi cũng đã nuôi cháu 6 năm nay, từ lúc cháu còn đỏ hỏn nên tôi hiểu tâm lý, tính cách của cháu. Làm sao tôi có thể xa con ngay được, không thể nói giao là giao luôn được. Tôi cũng là người bị hại” - chị Hương nghẹn ngào nói.

Nguồn: Gia đình Việt Nam