Dòng sự kiện:

Xúc động chuyện mẹ dành 15 năm dạy chữ cho con được “lên tiếng”

P.V
05:40 14/05/2019
Câu chuyện về người mẹ dành 15 năm tập trò chuyện cùng con và bài học về sự lắng nghe con các ông bố bà mẹ đều cần học!

Chị Nguyễn Quỳnh Hoa (41 tuổi) sau khi sinh con đầu lòng bất ngờ thấy con kiệm lời, rồi ngưng bập bẹ tập nói hẳn khi mới 23 tháng tuổi. Sau một lần đi khám theo lời khuyên của cô giáo mầm non, chị Hoa và gia đình bất ngờ nhận kết quả chẩn đoán Nguyên (17 tuổi) “chậm phát triển trí tuệ, tự kỉ” – hội chứng mà sau này chị đã thảng thốt và đau xót khi nhận ra sẽ theo con suốt đời.

 Dưới các tác động phức tạp của tình trạng rối loạn hành vi thần kinh, ngay từ khi sinh ra, Nguyên đã mất đi ngôn ngữ, không thể “đến tuổi thì tập nói” hay đơn giản gọi “ba,” “mẹ” như hầu hết những đứa trẻ bình thường khác.

Hiểu được những cảm xúc và câu chuyện của mọi người xung quanh, Nguyên vẫn có những cảm nhận và mong muốn được chia sẻ dù khả năng giao tiếp hạn chế của em do hội chứng tự kỉ bẩm sinh khiến em khó lòng “nói lên” suy nghĩ, mong muốn của mình. Với mẹ, Nguyên cũng là nguồn cảm xúc, động viên và an ủi cho mẹ - chị Hoa từng chia sẻ “trong một lần mẹ thấy bật khóc, Nguyên từng nhắn nhủ mẹ “Mẹ đừng khóc, nước mắt không giải quyết được gì”. 

Không có lời nói, làm thế nào để giao tiếp cùng con?

Bỏ công việc ổn định – chuyên viên tư vấn tài chính - để ở nhà sát cánh cùng con, chị Hoa đã từng vào Nam ra Bắc đưa con đi can thiệp, cùng con tập bò từng mỗi ngày từng chút một cùng cô giáo chuyên biệt. Thế nhưng những lần can thiệp, và những kì huấn luyện cho cha mẹ chị tham gia 2-3 khoá/năm không thể giúp con biết chữ hay trò chuyện.

Trái ngược với câu chuyện của những bạn nhỏ thông thường, kể từ khi sinh ra, Nguyên đã mang trong mình hội chứng rối loạn phổ tự kỉ - hội chứng bẩm sinh, không thể chữa đã lấy đi khả năng cất tiếng nói của em khi mới 23 tháng tuổi. Dậy thì và thiếu lời nói để giãi bày, cậu bé Nguyên đang chập chững tuổi lớn nhiều tâm sự chỉ biết bộc lộ tâm trạng với những bực bội, cáu giận – “con lúc đó hay cáu gắt và bực bội hơn hẳn ngày bé, nhưng tôi không thể hiểu con đang muốn gì – tất cả những gì con cất lên là những âm thanh “ư ơ” không rõ nghĩa.

May mắn vì có Nguyên, tôi học thêm được rất nhiều thứ mới, biết lắng nghe và yêu thương hơn, cũng là động lực để vui vẻ và tích cực mỗi ngày cùng con chia sẻ và học thêm những kĩ năng mới”. 

Học viết thế nào khi con không thể hiểu bảng chữ cái?

Mong muốn có thể chia sẻ cùng con những vui buồn hàng ngày, chị Hoa thử đủ mọi cách dạy con tập viết. Bắt đầu với những chữ cái được chấm sẵn để con tô viết, suốt hai năm dài bên vở bút, chị Hoa cùng con học chữ. Vậy nhưng bất kể bao nhiêu chữ cái được mẹ dạy và tập luyện cùng, Nguyên chỉ “tô bao nhiêu chữ cũng được nhưng tuyệt nhiên không hiểu gì.”

“Trẻ tự kỉ không thể học viết bằng việc ghi nhớ và đánh vần bảng chữ cái nhưng chúng ta thông thường. Với con, chữ “a” hay chữ “o” không có ý nghĩa. Chúng không có cảm xúc và không thân thuộc. Khi đó, tôi chuyển sang dạy con thành từng từ. Chữ N-G-U-Y-Ê-N nối với nhau tạo thành tên con; chữ M-Ẹ nối với nhau tạo thành chữ ‘mẹ.’ Rồi tên các đồ vật con dùng, những sự kiện như sinh nhật bố, lớp học… quen thuộc với con, tôi đều dạy con viết và gắn thẻ lên từng ảnh và vật,” chị Hoa chia sẻ. Cứ vậy, từ mỗi hoạt động hàng ngày, từng đồ vật Nguyên tiếp xúc đều trở thành một vật hữu dụng để chị Hoa hướng dẫn con tập viết, và nhiều hơn hiểu về sự vật xung quanh và bắt đầu có thể viết về chúng.

Từng chữ cái chỉ đơn giản với ba đến bốn nét chấm nối lại với nhau, từ từng từ đơn giản, chị Hoa bắt đầu dành thời gian nói chuyện và chia sẻ những cảm xúc hàng ngày với con qua các nét chữ trên trang giấy. Những câu chuyện hàng ngày của hai mẹ con bắt đầu từ đó, Nguyên bắt đầu với những câu nói ngây ngô, mẹ nhẫn nại đọc và sửa từng chút để em có thể viết tốt hơn mỗi ngày.

Các trang trò chuyện giữa Nguyên và mẹ về buổi học bóng rổ đầu tiên. Qua trang viết, Nguyên bày tỏ những lo lắng, mong muốn được vui đùa, tham gia các hoạt động và làm quen với nhiều bạn mới. Trên những trang viết còn là cả sự tự ý thức của em về những khiếm khuyết – khó khăn của mình: “Nguyên muốn gặp các bạn thường xuyên hơn,” “Biết các bạn muốn giúp mình, Nguyên rất vui,” “Hy vọng sân chơi cho Nguyên và các bạn được chơi.” Có lần, Nguyên từng viết cho mẹ: “Nguyên muốn có bạn”. 

Nguyên là may mắn lớn của mẹ!

Mang trong mình cảm nhận và ý thức riêng về mọi điều xung quanh như một đứa trẻ thông thường, trẻ tự kỉ cũng có những bùng nổ cảm xúc – vui, hào hứng, giận hờn, bực bội. Những biểu hiện này xem chừng khó hiểu với người xung quanh, bởi cách em không có các kĩ năng xã hội bẩm sinh để thể hiện cảm xúc của mình.

Với chị Hoa, mỗi bài học với con là một bài học cho chính bản thân mình. Đó là ngôn ngữ chia sẻ, để hai mẹ con dù bị cản trở bởi khả năng giao tiếp hạn chế của hội chứng tự kỉ bẩm sinh vẫn có thể cũng nhau nói về cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Về Rối loạn phổ tự kỷ

Là tình trạng rối loạn hành vi thần kinh phức tạp gồm những suy giảm về tương tác xã hội, ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) thường được nhắc tới với tên gọi tắt “Tự kỷ” là một hội chứng lâm sàng không thể chữa trị (khác với khái niệm “bệnh” – các biểu hiện và triệu chứng sức khoẻ có thể chữa trị). Nói cách khác, trẻ tự kỷ với nhiều “phổ tự kỉ” khác nhau – các rối loạn khác nhau trong kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp xã hội – sẽ phải học cách làm quen và sống chung với hội chứng rối loạn của mình để có thể sống độc lập và phát triển cùng cộng đồng trong suốt cuộc đời mình.

Khái niệm không mới nhưng chưa được hiểu đúng và toàn diện, những trẻ em và người trưởng thành mang Hội chứng Tự kỷ chưa được quan tâm đúng cách do các các giới hạn cản trở việc biểu hiện ngôn ngữ giao tiếp và hành vi của mình; dẫn đến nhiều khó khăn trong việc hoà nhập với cộng đồng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam