Dòng sự kiện:

Yêu cô gái trên bìa báo, chàng du học sinh bỏ học đi tìm nàng và cái kết bất ngờ

02:00 24/08/2016
Một câu chuyện mà nhiều người nghe xong tròn mắt vì nó đẹp như cổ tích, tới mức nếu không gặp nhân vật, tôi đã nghĩ là nó không có thật.

Năm thứ hai đại học, gia đình Hoàng Uyên đã gửi hình chân dung Uyên cho cuộc thi ảnh đẹp của tạp chí Phụ nữ Ấp Bắc thời ấy. Bức ảnh ấy đoạt giải khuyến khích, được in trang trọng trên bìa 4 của tờ báo khi công bố giải. Đang du học tại Singapore, chẳng hiểu sao Thanh Phong tình cờ nhìn thấy tờ báo, thấy cái hình rồi đâm tương tư cô gái đoạt giải khuyến khích ấy. Anh cẩn thận cắt tấm hình, để vào ví, chờ ngày về nước.

“Đôi khi nghĩ lại, thấy mình vừa buồn cười, vừa liều lĩnh”, Phong nói. Hè đó về TP.HCM, anh gọi điện đến tòa soạn tạp chí Phụ nữ Ấp Bắc. Năm lần bảy lượt mới biết nơi gửi hình dự thi là một tiệm ảnh tận xã Phú Khương, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Cô tiếp tân toà soạn chỉ nói đến thế, năn nỉ cỡ nào cũng không cho địa chỉ, không cho tên hiệu ảnh. Chàng trai 20 tuổi một mình lên xe đò về Bến Tre, quyết định đi tìm tình yêu của đời mình.

Hoàng Uyên và Thanh Phong ngày cưới.

“Lúc vừa thấy tấm hình, tôi đã quyết định phải tìm cho ra cô gái này, có một điều gì đó thôi thúc tôi hành động, bất chấp mọi thứ. Lúc xe qua phà Rạch Miễu, lòng tôi bồi hồi kinh khủng, cứ hình dung người con gái ấy đứng trước mặt mình”. Phong trầm ngâm khi nhắc lại chuyện này. Xuống xe ngay đầu đường vào thị xã (lúc ấy Bến Tre còn là thị xã), ngay đó là xã Phú Khương, Phong bắt đầu đi bộ, ngó nghiêng hết tất cả các tiệm chụp hình dọc đường. Nhiều cửa tiệm lắc đầu khi Phong ghé vào hỏi thăm. Khi đã thấm mệt, thì trước mặt anh hiện ra một cửa tiệm chụp hình nho nhỏ, tấm hình được phóng lớn treo ngay cửa để quảng cáo. Phong lao vào với... tốc độ ánh sáng, như vừa chạm tay vào định mệnh của đời mình.

Hoàng Uyên nói: “Hình đó ba Uyên chụp và gửi dự thi, cửa hiệu ấy là của ba Uyên”. Lúc đầu ba Uyên đã không đồng ý cho Phong xin địa chỉ Uyên. Nhưng khi thấy cậu nhóc nài nỉ, quyết chí xin địa chỉ người trong hình, ba Uyên đã mủi lòng ghi cho Phong địa chỉ. Đó là địa chỉ ở một ký túc xá, vì lúc ấy Uyên đang học ở Sài Gòn. Về Sài Gòn, chần chừ mãi khi chưa biết sẽ gặp và nói chuyện gì với Uyên, Phong đã phải trở lại Singapore học. Lên máy bay mà lòng anh buồn hiu.

Từ Singapore, Phong viết thư về cho Uyên. Mãi đến lá thư thứ ba, Uyên mới trả lời. “Lúc đó mới cảm thấy bạn ấy thành thật, vả lại lời lẽ trong thư chân tình quá, nên thấy tội nghiệp”, Uyên kể. Họ đã hẹn gặp nhau khi nào Phong về lại. Thực ra lúc đó, Uyên cũng không chú tâm nhiều tới một người chưa gặp. Xinh xắn, hát hay và dễ thương, Uyên bận rộn với biết bao lời tán tỉnh của những bạn trai xung quanh. Việc viết và gửi thư cho Phong, đôi khi cũng là một kiểu kiêu hãnh rất con gái, biết mình thu hút đám đông, thu hút người khác phái. Uyên luôn đỏng đảnh đến mức mê hoặc như thế với nhiều người quanh mình, kể cả với những lời trong thư viết cho Phong.

Rồi như có sự sắp đặt của ông trời, họ gặp nhau trong hội trường của trường đại học nơi Uyên theo học, còn Phong mới vừa về theo bạn vào chơi. Phong thì cố ý tới, vì biết Uyên học ở đây, biết đâu chừng… Gặp nhau ngay cửa, chỉ kịp hỏi đúng câu “bạn là Uyên à, mình là Phong”, thì Uyên đã chạy biến. Tối hôm ấy, Phong tìm đến nhà Uyên, họ ngồi nói chuyện với nhau. Trở thành bạn bè một thời gian dài, trước khi chính thức hẹn hò như hai người yêu nhau.

“Lúc đó Phong cứ như con nít vậy, nhỏ hơn Uyên một tuổi mà, Uyên thì có cả tá những người theo đuổi, vậy mà chẳng hiểu sao lại yêu Phong, chắc tại cảm động bởi hành trình tìm duyên như phim ấy”, Uyên cười khi nhắc chuyện xưa. Hành động can đảm nhất lúc đó của Phong là bỏ học ở nước ngoài, xin về học cùng trường với Uyên “để được gần nhau”. Chuyện đó, lúc ây gây xôn xao trong bạn bè, vì nó kỳ cục quá.

Uyên vẫn vậy, vẫn như ngày quen nhau nhưng ra dáng phụ nữ đảm đang hơn bao giờ hết. Uyên chăm Phong từng bữa ăn, lăng xăng nấu giúp Phong bữa cơm, lăng xăng chạy đi mua cho Phong viên thuốc cảm. Họ cùng nhau đi qua những ngày tháng sinh viên, chăm chút nhau mỗi ngày và như những người bạn thân.

Cưới nhau sau ba năm ra trường. Một cái đám cưới cũng kỳ lạ không kém. Họ tổ chức ở ba nơi, quê Phong, quê Uyên và làm lễ cưới trong nhà thờ, nơi mẹ Phong đang sống. Uyên cười: “Lúc ấy tôi cứ cuống lên vì liên tục làm cô dâu”. Xa quê, về nhà Phong làm dâu, một cuộc sống mới toanh, nhiều màu sắc mở ra. Mười ba năm sau ngày cưới, một đoạn đời đã đi qua, họ vẫn tíu tít như bạn bè. Ngần ấy năm, cách xưng hô vẫn không thay đổi, vẫn xưng tên với nhau. “Mắc cười nhất là khi cãi nhau, gọi tên nghe như đang diễn hài” Uyên kể và cho biết, khi bực dọc hay cả khi cãi nhau long đất lở trời, họ vẫn chỉ gọi nhau “Uyên”, “Phong”.

Chị Uyên và con gái út.

Phong vẫn giữ thói quen chở vợ đi ăn sáng mỗi ngày trước khi đi làm. Vũng Tàu nhỏ xíu, hôm nào cơm nước bữa tối xong, cả hai lại lòng vòng bằng xe máy. Sáng Chủ nhật hằng tuần, họ hẹn hò nhau xem phim, cà phê. Uyên vẫn đỏng đảnh kể chuyện tíu tít như hồi xưa, kể cả những câu chuyện tế nhị như hôm qua có người buông lời tán tỉnh, khen mình xinh. Chuyện có người tán tỉnh, Uyên kể với Phong chẳng giấu giếm gì, như tâm sự với bạn bè thân. Hơn ai hết, Phong hiểu Uyên. Cô xinh đẹp và hồn nhiên, nên mọi người quý mến cũng là tất nhiên. Phong bảo mình không ghen, vì Phong tin và biết Uyên yêu gia đình nhỏ, biết đâu là điểm dừng. Uyên vén khéo và chăm chút từng bữa cơm, giấc ngủ cho ba cha con. Vả lại, họ là những người bạn, mà bạn bè, đâu dễ gì phản bội nhau.

Vẫn giữ vững quan niệm vợ chồng là bạn bè, là tri âm, họ tuyệt đối tôn trọng khoảng thời gian riêng tư của nhau. Dù hai đứa con, bạn bè vẫn thấy Uyên tung tăng trong những chuyến đi chơi xa, khi thì một mình, khi thì cùng bạn bè. Phong luôn ủng hộ Uyên mọi chuyện. Nhận phần trông coi đưa đón con để Uyên thu xếp công việc đi đây đi đó. Anh không muốn vì lập gia đình mà Uyên mất "tự do". Ngoài những lần công tác, Phong hầu như ở nhà, phụ giúp vợ việc nhà, “Phong bây giờ như ông già, chẳng trẻ con như hồi xưa nữa, khó tính lắm, ở nhà suốt thôi, từ ngày cưới đến giờ, cả việc chụp hình chung với vợ cũng từ chối, Phong không thích nói nhiều”, Uyên chia sẻ.

Vốn dĩ ít nói và trầm tính, Phong chỉ lặng lẽ đi bên cạnh vợ, ủng hộ công việc vợ làm, lâu lâu lại “nhắc chừng” vợ. Cử chỉ “nhắc chừng” ấy khiến người khác ngưỡng mộ, vì nó rộng lòng biết bao. Hình ảnh cặp vợ chồng ấy, đôi khi khiến người khác thốt lên hai từ “ganh tị”, vì Uyên cứ tươi tắn, tràn đầy năng lượng, Phong vững chãi và bảo bọc Uyên. Họ bổ khuyết cho nhau để làm nên một gia đình đẹp, yên ấm, đầy tôn trọng nhau. Hình như họ chưa từng chiến tranh với nhau. Mỗi một bữa cơm, nhà ấy lại đầy ắp nói cười, những câu chuyện xưa, chuyện nay không bao giờ hết trong gia đình đó. Họ luôn tươi mới như những người bạn.

Với họ, có lẽ vừa là vợ chồng vừa là bạn bè chính là nền tảng của hạnh phúc.

Theo Gia đình Việt Nam